Tính đến 15/10 mới có một số nhà máy điện gió đủ điều kiện vận hành thương mại (COD) còn nhiều doanh nghiệp trong danh sách chưa được “gọi tên” đang bồn chồn như ngồi trên đống lửa.
Cụ thể, theo EVN, mới có 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 443 MW được công nhận vận hành thương mại, chiếm hơn 1/10 danh sách nhà máy điện gió đã gửi hồ sơ xin đăng ký chương trình đóng điện, nghiệm thu và hòa lưới.
Trong đó các nhà máy được công nhận COD toàn bộ công trình gồm: BIM (88 MW), Tân Linh (46,2 MW), số 5 Ninh Thuận (46,2 MW), Hướng Tân (46,2 MW) và Đông Hải 1 giai đoạn 2 (50 MW). Còn các dự án khác trong số 11 dự án này mới COD được một phần công suất đăng ký.
Lý giải cho việc có rất ít dự án được công nhận COD các doanh nghiệp cho biết; đã có nhiều dự án trong danh sách 106 dự án xin đăng ký đóng điện để kịp hưởng giá FIT ưu đãi vào 31/10 trước đó, đã triển khai thi công xong toàn bộ công trình, nhưng các dự án điện gió đó vẫn chưa hoàn thiện xong thủ tục liên quan đến quy định phòng cháy chữa cháy.
Điều này cũng đang khiến nhiều chủ đầu tư dự án điện gió như ngồi trên đống lửa, vì nếu không kịp hoàn thiện hồ sơ đủ điều kiện được công nhận COD trước ngày 31/10/2021, thì khả năng gặp rủi ro của các dự án sẽ chiếm phần lớn do nặng lãi phải gánh từ phía ngân hàng.
Gặp trở ngại này sở dĩ, vừa qua Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo ra nhiều văn bản thu hồi thông báo đã ban hành về kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình xây dựng và chấp thuận kết quả nghiệm thu tại các dự án.
Theo đó, Cục Điện lực thấy việc ban hành một số thông báo cụ thể tới các dự án điện gió có thiếu sót về nội dung quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy. Vì vậy, Cục Điện lực đã quyết định thu hồi các thông báo được ban hành trước đó về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng và chấp thuận kết quả nghiệm thu của một số doanh nghiệp đầu tư điện gió.
Cục Điện lực cũng đề nghị doanh nghiệp điện gió sau khi có văn bản của cấp thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định cho các công trình/hạng mục công trình hoàn thành, doanh nghiệp có văn bản (kèm theo tài liệu liên quan) báo cáo Cục để xem xét, giải quyết theo quy định.
Viện dẫn theo Khoản 3 Điều 23 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, thì công trình, hạng mục được đưa vào khai thác, sử dụng khi đáp ứng điều kiện được nghiệm thu theo quy định và cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP liên quan đến thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy có quy định, chủ đầu tư phải đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt thiết kế trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu nêu trên và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy trước khi đưa công trình vào sử dụng.
Trong đó, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục, từng hệ thống và nghiệm thu bàn giao; Chủ đầu tư quyết định việc nghiệm thu từng phần công trình trong trường hợp khu vực nghiệm thu đủ điều kiện vận hành độc lập, bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy và phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy kiểm tra kết quả nghiệm thu và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trước khi đưa phần công trình đó vào sử dụng.
Chiếu theo các quy định này, cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực điện lực thuộc Bộ Công Thương hoặc UBND cấp tỉnh có cơ sở xem xét và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, đưa công trình điện gió vào sử dụng theo đúng, đủ quy định của pháp luật. Do đó để kịp thời bổ sung thủ tục liên quan đến Phòng cháy chữa cháy thì chủ đầu tư dự án điện gió khẩn trương phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoàn thành thủ tục biên bản nghiệm thu trước ngày 1/10/2021.
Phương Thanh