Từ niên vụ 2019/20, ngành đường Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với đường Thái giá rẻ nhập khẩu. Biểu đồ: Sản lượng đường trong nước và đường Thái Lan nhập khẩu. Nguồn: VSSA

Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Giá đường nhập khẩu rất thấp, gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2020, sau khi trừ đi lượng đường đã xuất, số lượng đường nhập khẩu tại thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn. Số liệu này còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu là 87,67%.

Đáng lưu ý, tuy dỡ bỏ hàng rào thuế quan và hạn ngạch như cam kết, Chính phủ Thái Lan vẫn không cho phép nhập khẩu đường. Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá. Đồng thời, Hiệp hội đề nghị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để cứu ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía.

Nhưng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trong khi sức ép hội nhập ngày càng tăng, theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): “Chúng tôi chưa thấy có sự cố gắng liên kết và đổi mới thực sự để vượt qua hội nhập. Do đó, đây là thời điểm cần thiết, cấp bách để giúp ngành đường đi lên, góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội”.