Năm 2022 được dự đoán sẽ là một năm hội tụ của những công nghệ đổi mới được ứng dụng sâu hơn vào cuộc sống.

minh-hoa2

 

AI tiếp tục “trỗi dậy” 

Trí tuệ nhân tạo (AI) từ lâu đã là một “trợ lý” ảo không chỉ cho dân công nghệ, cho các doanh nghiệp, mà còn cho cả những người dân bình thường. “Trợ lý” này có thể giúp ta trong mọi lĩnh vực, biết ta cần gì, muốn gì, biết thói quen của ta, lái xe cho ta, nhắc nhở ta trong cuộc sống và công việc,…Trong đại dịch ở Việt Nam, AI giúp truy vết người tiếp xúc, điều tra dịch tễ. Robot Call (AI callbot) thực hiện các cuộc gọi đến người dân nhanh chóng để khuyến cáo, cập nhật các thông tin y tế.

BKAV đã bán camera an ninh AI ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ bảo vệ biên giới, giám sát an ninh trật tự đến giám sát giao thông, cảnh báo cháy rừng… hay VinAI phát triển thành công công nghệ nhận diện gương mặt đứng thứ 6 thế giới.

Xu hướng ứng dụng rộng lớn của AI tại Việt Nam và trên thế giới cùng sự hỗ trợ của Internet vạn vật (IoT) và các mạng siêu nhanh như 5G, sẽ kết hợp lại với nhau để tăng cường khả năng của AI. Những điều mà cách đây vài năm không thể thực hiện được, có thể sẽ thành hiện thực với xu hướng hội tụ của công nghệ.

Nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng năm 2022 vẫn sẽ là một năm đi lên và đào sâu nghiên cứu rộng cho công nghệ AI ở Việt Nam, đặc biệt là hai lĩnh vực đã có cơ sở và tiềm năng. Đó là VinAI về công nghệ xe tự lái, và BKAV AI về an ninh bảo mật.

Cơ hội cho tự lập trình

Năm 2022, chúng ta sẽ chứng kiến các công ty triển khai cơ sở hạ tầng AI và IoT mà không cần sở hữu một máy chủ hoặc phần mềm được lập trình riêng, độc quyền. Đây là những giải pháp gọi là “không mã” hay “tự lập trình”. Những giải pháp công nghệ này sẽ giúp những người không có kĩ năng lập trình chuyên nghiệp có khả năng tạo ra những sản phẩm như những người chuyên nghiệp.

Còn nhớ tháng 6/2021, Gartner đưa ra dự báo rất đáng chú ý: Do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, đến năm 2024, 80% sản phẩm và dịch vụ công nghệ trên thị trường không phải do chuyên gia công nghệ làm ra. Sự bùng nổ của các nền tảng và công cụ không mã với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nên một thế hệ “citizen developer” mới (tạm dịch là “lập trình viên nhân dân”).

Thị trường này đã có các sản phẩm như OpenAI ở Mỹ, một mô hình lập trình có thể tạo mã từ ngôn ngữ nói tự nhiên của con người. Ở Trung Quốc, khoảng 1,64 triệu người đang sử dụng các nền tảng/công cụ không mã tự phát triển. Các nền tảng không mã của Trung Quốc nổi tiếng như Kingdee, Seeyon, Yonyou, Tencent, Baidu, Ali, Zhiyuan Internet, UFIDA, Inspur Tongsoft,… hay như akaDev của FPT software miễn phí cho người dùng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ.

Khi công nghệ như thế này được phổ biến – mà chúng ta sẽ bắt đầu thấy ở Việt Nam vào năm 2022 – cùng hội tụ với công nghệ điện toán, cơ sở hạ tầng đám mây, các ý tưởng đổi mới và trí tưởng tượng của chúng ta sẽ ít bị kìm hãm do thiếu tài nguyên hoặc kỹ năng kỹ thuật.

Bytesoft

 

Thời của ảo hóa

Trong suốt năm 2020 và 2021, nhiều người trong chúng ta đã trải qua quá trình số hóa và ảo hóa văn phòng và nơi làm việc của mình. Đây như một thử nghiệm cấp bách để đối phó với đại dịch, nhưng nó đã trở thành một xu hướng dài hạn.

Vào năm 2022, chúng ta sẽ ngày càng trở nên quen thuộc với khái niệm “vũ trụ ảo” (metaverse) – thế giới kỹ thuật số tồn tại song song với thế giới vật chất mà chúng ta đang sống.

Đó chính là những metaverse như của Facebook xây dựng, nơi mọi người có thể làm việc, giải trí và giao tiếp xã hội trong khi vẫn ngồi một chỗ. Thậm chí, nhiều nhà làm game đã nhanh chân tạo ra metaverse của riêng mình trước cả Facebook, như Axie Infinity- một game đình đám của một doanh nghiệp Việt.

Không chỉ có vậy, Bytesoft Việt Nam đã lần đầu ứng dụng vũ trụ ảo metaverse để cá nhân hoá trong các sự kiện trực tuyến. Hay dự án làm phim FAM của Charlie Nguyễn, đạo diễn người Mỹ gốc Việt trên nền tảng Binance Smart Chain, đặt một chân vào metaverse.

Ở Việt Nam, năm 2022 có lẽ sẽ là một năm bùng nổ của Metaverse trong lĩnh vực game với thành công vang dội của ngọn cờ đầu Axie Infinity. Tuy nhiên, làm được như Axie không hề dễ nên năm 2022 sẽ chứng kiến sự “ra đi” của những Metaverse không đủ hay, không kêu gọi được đầu tư hoặc thiếu nhân lực công nghệ cao.

Tóm lại, dù là công nghệ nào, Việt Nam cũng đều có nhiều ứng dụng và tiềm năng phát triển trong năm 2022- năm hội tụ của các xu hướng công nghệ.

Bất Nhị