Nhiều năm qua, dù chưa có tổ chức nào công nhận nhưng cứ vào ngày giỗ vua Lang Liêu (10/4 âm lịch), các đầu bếp trong Hội đầu bếp Việt Nam lại nô nức về đền Dữu Lâu để cùng ban khánh tiết, các cấp quản lý làm lễ giỗ vua Lang Liêu.

img_2146-enternews-1653150619

Các đầu bếp thuộc hội đầu bếp Hải Phòng chuẩn bị những món ăn đặc sản địa phương để dâng lên Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương

Theo các nhà sử học, trong truyền thuyết của Việt Nam, Hoàng tử Lang Liêu là người sáng tạo ra bánh Chưng, bánh Giầy – hai món ăn đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Bánh Chưng, bánh Giầy đã qua quá trình mấy ngàn năm vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Nó không chỉ là những món ăn thông thường mà còn trở thành Quốc hồn, Quốc túy của dân tộc.

Ông Nguyễn Tiến Khôi – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Phú Thọ cho biết: “Nguồn gốc của bánh Chưng, bánh Giày xuất phát từ việc vua Hùng Vương thứ 6 khi đến tuổi cao sức yếu muốn nhường ngôi cho một người con hiếu thảo. Ông ra một chỉ đạo đến ngày mừng thọ của vua cha, con nào dâng lễ vật mà vua cha ưng ý, đầy đủ yếu tố mà theo như suy nghĩ của vua thì sẽ được nhường ngôi. Rất nhiều các con của vua Hùng thứ 6 đã lên rừng xuống biển để tìm những của ngon vật lạ để dâng vua cha. Riêng Hoàng tử Lang Liêu – người con thứ của vua Hùng thứ 6 qua một đêm suy nghĩ không biết làm thế nào để có vật dâng vua cha đã được mẹ vua Hùng mách bảo lấy sản vật lao động của mình để làm ra những thứ bánh: Bánh Chưng tượng trưng cho đất, bánh Giày tượng trưng cho trời. Đúng như lời căn dặn đó, Hoàng tử Lang Liêu đã làm ra thứ bánh đầy ý nghĩa. Chính vì lẽ đó, vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Hoàng tử Lang Liêu. Từ đó, bánh Chưng, bánh Giày đã trở thành vật cúng tế đối với tổ tiên”

Cũng theo ông Khôi: Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, không có nơi nào ngoài Dữu Lâu có một nơi thờ vua Lang Liêu. Vì vậy, chúng tôi suy đoán rằng, có lẽ quê gốc của vua Lang Liêu chính là ở đây. Và nhân dân địa phương đã lập đền thờ vua Lang Liêu và hương khói ngài từ đó đến nay.

Còn với những người làm việc trong lĩnh vực ẩm thực thì cho rằng, Hoàng tử Lang Liêu xứng đáng là ông Tổ của nghề đầu bếp Việt Nam. Chính vì vậy, từ rất lâu trong tâm thức của họ đã tôn vinh Hoàng tử Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương là “Vua Tổ nghề ẩm thực – Người sáng lập ra nền Văn hóa ẩm thực Việt Nam”.

img_2104-enternews-1653150729

Những món ăn đặc sản địa phương được bày trí rất công phu

Theo ông Nguyễn Thường Quân – Chủ tịch hội đầu bếp Việt Nam cho biết: “Vài năm trở lại đây, chúng tôi những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực đến từ các tỉnh thành trong cả nước, mang theo những món ăn, đặc sản, đặc trưng của tình mình để dâng lên Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương. Chúng tôi coi ngày này là ngày giỗ Tổ nghề, để chúng tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như trong công vệc. Năm nay, có 200 đầu bếp ở 15 tỉnh thành về tham dự, dâng lên vua cha lễ  vật từ ba miền Bắc – Trung – Nam do những người đầu bếp giỏi tự tay chế biến, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, nhà nhà được bình an.

Có thể ở một lĩnh vực nào đó chúng ta còn mơ hồ nhưng với nghề đầu bếp, sản phẩm đó là thực nhất, là tài năng thực sự, không ai thay thế được. Họa sỹ khái quát cuộc sống tươi đẹp bằng những bức tranh, nhạc sỹ bằng những tác phẩm âm nhạc còn đầu bếp thì bằng những món ăn nhớ mãi không quên.

Rất nhiều đầu bếp đã gây dựng được tên tuổi trong nghề và mở những chuỗi nhà hàng thành công mang dấu ấn thương hiệu của riêng mình. Từ đầu bếp họ trở thành những doanh nhân nổi tiếng, trở thành biểu tượng cho rất nhiều bạn trẻ muốn theo đuổi nghề này. Và khi được ghi nhận, tôn vinh, bản thân những đầu bếp chuyên nghiệp bắt đầu có ý thức với vị thế của nghề, khát khao được đưa nghề đầu bếp của mình vươn tầm ra thế giới. Ước mơ này hoàn toàn có cơ sở bởi nghề đầu bếp quyết định một phần thành công của địa phương, đặc biệt là du lịch.

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” các đầu bếp đã lội ngược dòng lịch sử để tìm hiểu về “tổ nghề” của mình, người đã sáng lập ra ngành ẩm thực ở Việt Nam. Hơn 200 đầu bếp khắp cả nước như: Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghệ An, Tuyên Quang..v…v…đã thành kính về đền thờ Dữu Lâu dâng những món ăn đặc sản của địa phương cũng như của cá nhân mình để thành tâm bái yết và mong ngày càng phát triển.

Ông Mai Quang Văn – Chủ tịch Hội đầu bếp Hải Phòng cho biết: Về dâng hương giỗ tổ vua Lang Liêu, mỗi một tỉnh, thành phố mang đến những món ăn đặc sắc nhất của địa phương. Lễ dâng hương cũng là dịp hun đúc lòng quyết tâm, niềm hy vọng cho các đầu bếp luôn nỗ lực không ngừng trong học tập và sẽ thành công trong tương lai, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Hy vọng sau lễ dâng hương này, hội đầu bếp chúng tôi và du lịch nói chung sẽ phát triển hơn nữa. Chúng tôi cũng rất mong muốn, thời gian tới, nhà nước sẽ công nhận ngày 10/4 Âm lịch là ngày giỗ tổ truyền thống của ngành, được tổ chức quy mô và đúng bài bản.

Hầu hết các đầu bếp về lễ “tổ nghề” đều là những đầu bếp có thương hiệu và là những chủ nhà hàng lớn tại các địa phương. Hàng năm họ đóng góp cho địa phương rất nhiều các sản phẩm ẩm thực giúp cho du lịch được phát triển. Bên cạnh đó, còn giải quyết được rất nhiều lực lượng lao động trong địa phương, góp phần không nhỏ trong công tác an sinh xã hội. Và khi về trước đền thờ Lang Liêu, tất cả họ đều ấp ủ nghề ẩm thực của Việt Nam sau này sẽ ghi tên trên bản đồ ẩm thực thế giới về sự đa dạng, phong phú và tinh tế.