Anh Sơn là huyện miền núi năm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, có đồng bào dân tộc Thái sống tập trung ở 8 xã, 23 thôn, bản với hơn 2.000 hộ, 8.400 nhân khẩu chiếm gần 8% dân số toàn huyện. Cùng với những nét văn hoá đặc sắc, trang phục độc đáo hay những điệu múa xòe, múa lăm xao xuyến lòng người, thì những món ẩm thực truyền thống của người Thái ở Anh Sơn cũng tạo nên những nét đặc sắc riêng biệt và được lưu giữ cho đến ngày nay.
Đồng bào Thái ở Anh Sơn được thiên nhiên ưu đãi có dòng sông Giăng, sông Con…là nơi sản sinh và phát triển của các loài cá đặc sản như cá mát, cá ghé, tôm sông. Chưa kể, nơi đây còn được bao bọc bởi núi rừng, nên đa dạng các sản vật của núi rừng như: măng nứa, rau rừng, rêu đá… Từ nguồn thực phẩm phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc núi rừng, từ bao đời nay người Thái ở Anh Sơn đã gìn giữ, trao truyền các món ăn độc đáo. Nếu có dịp dừng chân ở bản làng của người Thái ở Anh Sơn, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn được chính bàn tay của những người phụ nữ Thái chế biến công phu, hấp dẫn và có vị ngon đậm đà.
Bà Lang Thị Hương ở bản Cao Vều 2 xã Phúc Sơn tự hào chia sẻ: “Nói đến văn hóa đồng báo dân tộc Thái ở Anh Sơn phải kể đến những đặc trưng trong văn hóa ẩm thực rất riêng. Từ các loại thực phẩm phong phú nhưng rất dân dã, những người phụ nữ Thái đã chế biến thành những món ăn đặc trưng của dân tộc mình. Chúng tôi rất tự hào về những món ẩm thực của đồng bào mình. Để lưu giữ giá trị của những món ăn của đồng bào Thái, bà Hương luôn dành thời gian bày dạy cho con cháu trong bản cách chế biến món ăn của dân tộc mình.
Theo những người phụ nữ lớn tuổi ở bản Cao Vều xã Phúc Sơn, trong những món ẩm thực của người Thái thì món xôi ngũ sắc là nổi tiếng nhất. Nó không chỉ thơm ngon từ vị giác với sự béo ngậy của hạt nếp, thơm của lá nếp mà còn thỏa mãn thị giác với những màu sắc đẹp lung linh mà nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, từ các loại lá, mang đặc trưng riêng của người Thái.
Bên cạnh đó, món cơm lam, không chỉ là món ăn cổ truyền mà còn là món ăn linh thiêng gắn với văn hóa tộc người Thái bởi theo tín ngưỡng dân gian, nó gắn với mỗi vòng đời của con người. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị ngọt của ống nứa, vị thanh thanh của lá chuối, mùi của khói bếp lửa… khiến món ăn này trở nên quyến rũ lòng người, ai đã thưởng thức một lần chắc khó có thể quên. Nói đến ẩm thực người Thái mà không nhắc tới các món nướng quả là thiếu sót lớn. Các món nướng được chế biến một cách cẩn thận, cầu kỳ, sử dụng nguyên liệu riêng và các loại gia vị độc đáo. Điển hình như món cá nướng, sau khi cá chín vàng rộm, thơm lừng sẽ mang đầy đủ từng vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, vị thơm của sả, riềng, mắc khẻn và các loại rau thơm. Hay món thịt lợn giàng, trâu giàng cũng là đặc sản của người Thái. Thịt lợn, thịt trâu sau khi xẻ dọc từng miếng bằng ba đầu ngón tay, được tiến hành tẩm ướp các loại gia vị tổng hợp như sả, ớt, tỏi, mắc khẻn… Khi nướng đủ độ chín, xé ra thành từng sợi nhỏ phải đảm bảo màu đỏ đậm đặc trưng và mang mùi khói ngai ngái của núi rừng…
Hộ gia đình chị Trần Thị Mai ở bản Cao Vều 1 xã Phúc Sơn nổi tiếng cả vùng biên giới vì thành công trong việc làm du lịch cộng đồng từ các món ẩm thực ngưới Thái. Tất cả các thành viên trong gia đình chị đều có những hiểu biết về văn hóa ẩm thực dân tộc Thái và khi có khách du lịch đến lưu trú tại gia đình, ai cũng chế biến được những món ngon này để phục vụ du khách. Theo chị Mai, để có những mâm cơm mang đậm màu sắc và dư vị truyền thống, gia đình chị đã tự tay tìm kiếm những nguyên liệu có sẵn trên rừng, trong vườn nhà để chế biến món ăn chứ không mua những nguyên liệu bên ngoài. Đặc biệt, không chỉ gia đình chị mà người Thái khi chế biến món ăn đã khá khéo léo và tinh tế trong việc lựa chọn gia vị cho từng món ăn sao cho dậy mùi, hợp khẩu vị, có tác dụng cho sức khỏe. Những gia vị đặc trưng, được sử dụng thường xuyên trong ẩm thực của người Thái là hạt mắc khén (tiêu rừng), hạt tiêu, ớt, gừng tươi, củ sả, các loại rau thơm, lá đắng, quả, lá mắc mật…Để có được những gia vị này, ngoài việc trồng trong vườn nhà thì hằng năm, cứ đến mùa thu hái, đồng bào Thái lại rủ nhau lặn lội lên những khu rừng già để tìm gia vị, hái về phơi khô, cho vào ống bầu, treo lên gác bếp, hay cho vào lọ để dùng trong cả năm. Trong quá trình chế biến, đồng bào Thái rất chú ý đến khâu tẩm ướp gia vị. Theo họ, đây là khâu quan trọng. Quá trình này sẽ làm cho gia vị ngấm sâu vào món ăn, khi chín sẽ thơm ngon hơn và có dư vị đặc trưng. Nhờ có sự kết hợp tinh tế và hài hòa các loại gia vị nên các món ăn trong văn hoá ẩm thực của đồng bào Thái có dư vị riêng, đậm đà và để lại ấn tượng sâu đậm đối với thực khách.
Chị Phạm Thị Hường, chủ tịch hội LHPN xã Phúc Sơn cho biết: Phúc Sơn là xã miền núi của huyện, có 5 bản đồng bào dân tộc Thái sinh sống, những năm gần đây địa phương luôn quan tâm, chú trọng đến trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đòng bào dân tộc Thái, trong đó có các văn hoá ẩm thực. Ngoài thành lập 5 đội văn nghệ tại các bản và 1 CLB dân ca, dân nhạc, dân vũ bản Vều để gìn giữ các điệu hò vè, trang phục, vật dụng sinh hoạt đời thường của người Thái, trong 2 năm 2021 và 2022 hội LHPN xã đã phối hợp với Trung tâm GDNN- GDTX huyện tổ chức 2 lớp dạy nghề nấu ăn cho chị em phụ nữ dân tộc Thái ở bản Cao Vều. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền đến chị em hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc Thái, tiếp tục gìn giữ và lưu truyền nghệ thuật chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc mình trong các bữa ăn hàng ngày. Đẩy mạnh việc gìn giữ nét văn hóa ẩm thực gắn với du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng để tạo ra nét riêng, đặc trưng cho vùng văn hóa Cao Vều.
Bà Ngô Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Anh Sơn cho biết: Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Anh Sơn luôn quan tâm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, đặc biệt là văn hoá ẩm thực, nhằm phát triển kinh tế xã hội địa phương. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực truyền thống đồng bào Thái được huyện Anh Sơn chỉ đạo các địa phương tổ chức hàng năm gắn liền với các hoạt động, lễ hội như: Thi nấu ăn các món đồng bào Thái tại ngày hội xuân ở vùng biên Cao Vều; lễ hội mừng lúa mới tại bản Bộng Thành Sơn và các ngày lễ tết tại các bản đồng bào Thái… Ngoài ra huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc gìn giữ nét văn hóa ẩm thực gắn với du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng; phối hợp với các ban ngành mở các lớp dạy nghề nấu ăn, chế biến các món ẩm thực đồng bào Thái tại các bản như Bản Bộng xã Thành Sơn, Bản Cẩm Hoà xã Cẩm Sơn; Bản Cao Vều xã Phúc Sơn… Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc chính là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Đối với Anh Sơn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thái không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện ngày càng phát triển./.
Hoàng Thông – Thanh Huyền