Ông Lê Hồng Linh – Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (Ban 10) cho biết, theo tiến độ phê duyệt thì dự án này sẽ hoàn thành và đi vào vận hành vào cuối năm nay. Kế hoạch của Ban 10 dự kiến đưa vào vận hành cống Cái Bé vào trung tuần tháng 2 này. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo từ cơ quan cấp trên cùng với sự nỗ lực của nhà thầu, tiến độ hoàn thành cũng như đủ điều kiện đi vào vận hành cống Cái Bé sớm hơn dự kiến. Trước đề nghị của địa phương và sự cho phép của Bộ NN&PTNT, hôm nay Ban 10 đã đưa vào vận hành tạm thời Cống, âu thuyền Cái Bé để thực hiện công tác phòng chống hạn mặn.

DCIM100MEDIADJI_0186.JPG

Sau hơn 1 năm thi công khẩn trương, cống Cái Bé đã đủ điều kiện vận hành kiểm soát mặn cho hàng trăm ha đất sản xuất.

Theo thông báo của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang,thời gian vận hành cống Cái Bé từ nay đến hết mùa khô 2021. Trong thời gian đóng 2 khoang cống các đơn vị phối hợp điều tiết giao thông, thông báo cụ thể lịch đóng mở cống, theo dõi nguồn nước để phục vụ cho người dân.

Trước đó, ngày 3/2, UBND tỉnh Kiên Giang đã có Công văn 126/UBND-KT đề nghị Bộ NN&PTNT, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (Ban 10) cho phép vận hành cống Cái Bé nhằm chủ động kiểm soát nguồn xâm nhập mặn.

Công văn của UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho hay, hiện nay mực nước tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long và nội đồng tỉnh Kiên Giang xuống nhanh, ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm. Trên sông Cái Bé độ mặn 4g/lít xâm nhập sâu 18km (xã Minh Hòa, huyện Châu Thành), độ mặn 1g/lít xâm nhập sâu 33km (thị trấn Gò Quao). Theo dự báo xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn mùa khô 2021 của Đài khí tượng-Thủy văn Kiên Giang: Mực nước các trạm nội đồng Kiên Giang có xu thế xuống nhanh trong tháng 2 và tháng 3/2021. Các đợt xâm nhập mặn mạnh tiếp theo: 6-9/2; 23-27/2; 7-9/3; 22-26/3; 01-4/4; 17-20/4. Khả năng độ mặn cao nhất ở mức tương đương mùa khô 2015-2016. Do đó, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Ban 10-đơn vị được Bộ NN&PTNT giao làm đại diện chủ đầu tư cho vận hành cống Cái Bé sớm hơn dự kiến để ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân trong vùng được dự án bảo vệ.

van-hanh-cong-cai-be

Cống Cái Bé nhìn từ trên cao.

Ngày 4/2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã ký ban hành Công văn 753/BNN-XD gởi UBND tỉnh Kiên Giang về việc đồng ý chủ trương vận hành tạm thời Cống, âu thuyền Cái Bé để thực hiện công tác phòng chống hạn mặn mùa khô năm 2020-2021, phục vụ sản xuất, dân sinh. Đồng thời Thứ trưởng Hiệp cũng giao cho Ban 10 chịu trách nhiệm kiểm tra các điều kiện kỹ thuật, đảm bảo việc vận hành Cống, âu thuyền Cái Bé không ảnh hưởng đến ổn định-an toàn của công trình…

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 với việc xây dựng hệ thống cống Cái Lớn, cống Cái Bé với quy mô lớn nhất trong cả nước và một số hạng mục phụ trợ sẽ có hiệu quả trực tiếp trên 384.000ha thuộc 4 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé là một trong những công trình trọng điểm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng bán đảo Cà Mau.

vi-tri-vung-du-an

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé có hiệu quả trực tiếp trên 384.000ha thuộc 4 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Công trình cống Cái Bé thuộc Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 là chủ đầu tư. Cống Cái Bé có 2 van cửa (mỗi van rộng 35m) và 1 âu thuyền rộng 15m. Việc đưa vào vận hành Cống Cái Bé sớm hơn dự kiến đã giúp người dân trong vùng dự án không phải đắp hàng trăm đập tạm ven sông như mọi năm, tiết kiệm được chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng.