Tổng thống Nga Putin càng cố gắng phô diễn sức mạnh quân sự ở bên ngoài thì tính ổn định bên trong nước Nga càng bị đặt dấu hỏi.
Khi cuộc chiến ở Ukraine xảy ra, vấn đề địa chính trị của quốc gia có diện tích lớn nhất hành tinh được đem ra mổ xẻ. Ngoài thủ đô Moscow và một số thành phố quen thuộc, đa phần không gian lãnh thổ của Nga khá bí ẩn.
Siberia là nơi khắc nghiệt, nghèo khó và dân cư thưa thớt. Ở phía Bắc xa xôi, các thành phố công nghiệp khai thác đang suy giảm. Ở Viễn Đông, cư dân có mối liên hệ kinh tế với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hơn là với Moscow và St. Petersburg.
Dưới sự lãnh đạo của ông Putin, quyền lực tập trung về Moscow, tính chất phát triển bất cân xứng ngày càng rõ rệt, với 21 tiểu quốc cộng hòa tự trị, phần lớn là người thiểu số. Đợt huy động quân sự vào tháng 9 vừa qua đã tạo ra phản ứng dữ dội ở những khu vực có đông dân tộc thiểu số mà những người lính nghĩa vụ đã phải chịu tỷ lệ thương vong cao.
Ngay cả người đứng đầu Cộng hòa Chechnya, ông Ramzan Kadyrov, người tự cho mình là cộng sự trung thành của ông Putin, đã ngừng huy động quân ở Chechnya sớm hơn so với các nhà lãnh đạo ở các khu vực khác.
Cho dù quyền lực ở Điện Kremlin hiện nay gần như tuyệt đối, song việc điều hành một quốc gia đa dạng như Nga là không hề dễ dàng. Tính ổn định tổng thể chỉ đạt được khi Moscow đảm bảo sự hài lòng có giới hạn đối với các tiểu quốc.
Nhiều lãnh đạo Nga hay dùng nguyên lý “cây gậy và củ cà rốt”- ban quyền lực, lợi lộc cho những người thân tín và điều họ đến cai trị tại các vùng lãnh thổ xa xôi; đồng thời sự trừng phạt khốc liệt ập tới nếu có dấu hiệu bất trung thành.
Vì vậy, ông Putin không hề để mình là nhà lãnh đạo “bình thường”, ông phải chống lại thế giới phương Tây, thị uy sức mạnh, kêu gọi phục hưng đế chế Nga – đó là cách xây thành trì quyền lực lâu dài.
Thể trạng nước Nga hiện nay rất giống “cơ chế miễn dịch”, sự ổn định chỉ được duy trì khi Moscow đủ mạnh. Ngược lại, nếu suy yếu và không đủ sức mạnh trấn áp thì 21 quốc gia cộng hòa tự trị sẽ là vấn đề chính trị rất nhạy cảm.
Sự thật là cuộc chiến ở Ukraine không giúp nước Nga mạnh lên, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, do phải chi trực tiếp quá nhiều cho chiến tranh. Dữ liệu từ Bộ Tài chính nước này cho thấy, hồi tháng 4/2022, mỗi ngày Moscow chi 338 triệu USD, tương đương nhân sách một số tỉnh của Nga trong vòng 1 năm.
Tổng chi phí quốc phòng sau ngày 24/2 gấp 1,5 lần so với trước đó, từ 3,7 tỷ USD lên 5,9 tỷ USD. Ngân sách 2022 dự kiến thâm hụt gần 26 tỷ USD vì các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Khoảng 300 thương hiệu lớn nhất toàn cầu như Starbucks, Goldman Sachs, Ford, Pepsi, Coca Cola… rút khỏi Nga hoặc cắt giảm hoạt động khi súng nổ ở Ukraine. Chẳng những suy yếu về kinh tế, “sức mạnh mềm” của nước Nga cũng bị suy giảm.
Nga chỉ còn 2 thứ để mặc cả, đó là dầu khí và vũ khí hạt nhân. Trong đó, công nghiệp năng lượng chiếm 1/3 GDP Nga, tương đương 600 tỷ USD, chẳng khác mấy “con dao hai lưỡi”.
Trương Khắc Trà