“Những tố chất trong thể thao rất hữu ích để hình thành những thói quen tốt cho nhân viên” – bà Trương Hoàng Mỹ Linh, cựu VĐV Olympic, nhà quản lý ở Techcombank đánh giá.
Thể dục dụng cụ là một sở trường của đoàn thể thao Mỹ. Ngày 27/7, đội Mỹ bước vào vòng tranh huy chương vàng Olympic 2020. Bỗng ngôi sao chủ lực của đội, Simone Biles tuyên bố bỏ cuộc vì không đủ sức khỏe tinh thần.
“Khi bạn ở vào trạng thái căng thẳng tột độ, bạn dễ bị hoảng sợ”, Biles giải thích về quyết định rút lui trong buổi họp báo. Và đội Mỹ hụt mất huy chương vàng.
Điều đó cho thấy, để hoàn thành công việc, chỉ thể lực đơn thuần là không đủ, mà còn nhiều chỉ số khác về sức khỏe, ví dụ như sức khỏe tinh thần (mental health) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống và sự nghiệp của mỗi người thời hiện đại.
Trong buổi tọa đàm trực tuyến “Pit Stop: Quản trị Năng lượng Cá nhân” do Mentally Fit tổ chức chiều 30/7, bà Stefanie Thomas, một HLV Tối ưu hoá Hiệu suất Công việc đã chia sẻ một lý thuyết, trong đó năng lượng của mỗi cá nhân dựa trên sự tổng hòa của Năng lượng thể chất, Năng lượng cảm xúc và Năng lượng tinh thần.
Trong câu chuyện phía trên, Biles không có đủ năng lượng tinh thần đã khiến cô bỏ cuộc, không thi đấu và dẫn tới đội Mỹ mất huy chương Olympic.
Năng lượng trong mỗi một người đều luôn dao động thăng trầm liên tục, như một đồ thị hình sin. Mỗi người cần phải có một cách thức để quản trị năng lượng của mình. Khi năng lượng lên cao, chúng ta có thể làm được rất nhiều việc. Vậy khi năng lượng xuống thấp, chúng ta phải làm gì để “sạc” lại?
Bà Stefanie gợi ý một phương pháp gồm 7 hành động để “sạc” lại cơ thể, bao gồm: Ngủ, Ăn uống đủ dinh dưỡng, Vận động thể chất, Nhận định vấn đề đúng mức, Nghỉ ngơi, Dành thời gian cho bản thân và Tiếp xúc xã hội. Trong đó, vận động thể chất là một việc rất quan trọng để phục hồi cũng như tạo các thói quen tốt cho cơ thể.
Từ trải nghiệm cá nhân, ông Nguyễn Hoành Tiến, Tổng Giám đốc SEEDCOM, cũng đồng tình với việc phải quan tâm tới việc nạp lại năng lượng cho cơ thể. Tuy vậy, việc ứng dụng quản trị năng lượng vẫn đang nằm ở trong cá nhân nhiều hơn là trong các tổ chức. Các tập đoàn về cơ bản là chưa có các hình thức quản trị năng lượng nhân lực, mặc dù có những công ty bắt đầu quan tâm tới việc giảm stress cho nhân viên.
Ông Tiến cũng ứng dụng một phần các hoạt động thể chất vào trong công ty của mình. Ông tổ chức các buổi thiền, tập gym để “anh em” giảm stress buổi sáng, lên dây cót tinh thần cho buổi chiều làm việc.
Là một cựu vận động viên Olympic, hiện giờ lại là một quản lý cấp cao ở Techcombank, bà Trương Hoàng Mỹ Linh đánh giá những người tập thể thao, đặc biệt là thể thao chuyên nghiệp có những tố chất rất quý, như là tính kỷ luật, cách đặt ra mục tiêu và đối mặt với thách thức.
Những tố chất này rất phù hợp khi áp dụng vào trong kinh doanh. Nó sẽ xây dựng được tinh thần, các thói quen tốt cho nhân viên gia tăng năng suất hoạt động trong công việc. Bà Linh quan niệm có thể chất tốt thì mới có được tinh thần tốt. Bởi vậy, bà rất khuyến khích nhân viên của mình cân bằng giữa công việc và rèn luyện thể chất. Thậm chí bà còn lên một chương trình đặc biệt để bà và hai người con (sống tại 2 thành phố khác nhau tại Mỹ) cùng nhau tập luyện hằng tuần, giữ sức khỏe vượt qua mùa dịch ở Mỹ.
Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) chia sẻ, việc đầu tiên đạt được khi ông bắt đầu tập chạy 4 năm qua chính là tính kỷ luật: Kỷ luật về tập luyện, kỷ luật về chế độ dinh dưỡng, kỷ luật về chế độ nghỉ ngơi. Chính việc tập luyện đã giúp ông có một cách nhìn về việc đặt mục tiêu, hướng tới mục tiêu một cách cụ thể hơn.
Ông so sánh việc nâng cấp kỹ thuật sàn HOSE trong 100 ngày với việc lập chiến thuật trong các bài chạy khác nhau. Chạy 100m khác với chạy 10km, khác với chạy ma-ra-tông hàng chục km và rất khác với chạy siêu việt dã cả trăm km. Ông đánh giá những tư duy này rất hữu ích khi ứng dụng vào triển khai dự án.
Ông Trà ví tình hình kinh doanh trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay như một cuộc chạy ma-ra-tông không hồi kết. Ông cho biết trên thế giới có những cuộc thi chạy không khoảng cách. Tất cả các vận động viên cùng thi chạy, chạy mãi cho đến khi chỉ còn một người trụ lại thì kết thúc. COVID-19 cũng đặt chúng ta vào một cuộc thi tương tự, chưa biết khi nào là hồi kết. Thành thử, tất cả cần phải chuẩn bị hành trang năng lượng cho một “quãng đường chạy” rất dài phía trước. Trong đó việc tập luyện thể chất, dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý là không thể bỏ qua đối với mỗi người.
Quân Bảo