Hiện nay, nhờ được chăm sóc theo quy trình VietGap, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, trái vải thiều của Việt Nam không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà đang tiếp tục chinh phục các thị trường khó tính như: Nhật, Mỹ, Australia…
Tại tỉnh Hải Dương, vùng vải thiều Thanh Hà đang vào giai đoạn chính vụ; Trà vải sớm với các giống vải u hồng, trứng trắng… năm nay cũng cho chất lượng tốt hơn, đã mang lại thu nhập khá cho bà con.
Ông Đỗ Văn Kiên ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà cho biết, 150 gốc vải của gia đình đang vào chính vụ thu hoạch, hiện đã bán được hơn 1 tấn vải, chủ yếu là các giống vải sớm như u hồng, trứng trắng, tàu lai,… dự kiến còn khoảng gần 2 tấn vải thiều sẽ được thu hoạch từ nay đến hết tháng 6.
Ông Kiên cho biết: “Thời điểm trước, vải đắt, giá cả cao nên thu cũng được 40 – 50 triệu đồng. Vào đầu mùa, chúng tôi bán được khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg, đấy là u trứng. Tiếp theo đến u hồng. Bây giờ tất cả mọi người đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap thì đều để to, chín đều mới bẻ bán.
Năm 2023, tỉnh Hải Dương trồng gần 8.900 ha vải; trong đó có 52 vùng trồng với diện tích 610 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Những vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, đảm bảo các điều kiện của các nước nhập khẩu.
Tại tỉnh Bắc Giang, năm nay, huyện Lục Ngạn xác định hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi và chế biến vải thiều tại chỗ bằng hình thức sấy khô, đóng hộp, ép nước…Hai thị trường chính được huyện xác định là xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Dự kiến có hơn 43.300 tấn sẽ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, các nước EU…Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 85 – 90% sản lượng xuất khẩu. Tiêu thụ trong nước khoảng 35.000 tấn tập trung vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn tại Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai, các nhà, kênh phân phối…
Ngoài ra, huyện Lục Ngạn cũng đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử khoảng 7.000 tấn; sấy khô 9.500 tấn còn lại bảo quản lạnh, chế biến sâu khoảng 3.200 tấn.
Theo khảo sát, giá vải thiều tại TP.HCM phổ biến ở mức từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Một số tiểu thương cho biết, giá vải thiều năm nay có phần tăng nhẹ. Cụ thể, giá vải thiều chở bằng đường bộ, đường sắt bảo quản lạnh có giá 35.000 – 40.000 đồng/kg. Vải thiều chở bằng máy bay có giá bán khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho hay, so với mọi năm, mặt hàng vải tươi về chợ sớm hơn, thương nhân đánh giá chất lượng hàng hóa năm nay tốt, đồng đều.
“Mặt hàng này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nếu xuất khẩu tốt thì sản lượng nội địa ít đi, nếu xuất khẩu không thuận lợi thì hàng đưa ra thị trường nội địa nhiều hơn. Mặt hàng này vẫn chưa đến giai đoạn cao điểm” – ông Phương nói thêm.
Tuấn Minh