60198ae201504a00197fb2b8

Một chuyên gia y tế cầm lọ vắc xin Sputnik V ở Moscow, Nga. Ảnh: Shamil Zhumatov / Reuters

Theo phân tích sơ bộ về kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 của vắc xin Nga được đăng tải trên The Lancet cho thấy, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được cho là có liên quan tới việc tiêm vắc xin Sputnik V.

Thậm chí, các tác dụng phụ ghi nhận được đều nhẹ, gồm cả các triệu chứng giống cảm cúm, đau tại chỗ tiêm và suy nhược. Vắc xin Sputnik cũng chứng tỏ hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa sự tiến triển của các ca bệnh nặng.

Các chuyên gia cho biết, phát hiện dựa trên dữ liệu thu thập từ 19.866 người tham gia, trong đó 3/4 đã được tiêm hai liều vắc xin và ¼ số người được tiêm giả dược.  Vắc xin Sputnik V của Nga được tiêm hai mũi cách nhau 21 ngày.

Trong 21 ngày đầu sau khi tiêm lần đầu, có 16 ca nhiễm COVID-19 trong số 14.964 người trong nhóm được tiêm vắc xin, 62 ca mắc bệnh trong nhóm 4.902 người được tiêm giả dược.

Mặc dù vậy, trước đó, vắc xin Sputnik V của Nga mới chỉ được 2 quốc gia phê chuẩn sử dụng là Hungary và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Nếu Hungary đạt được thỏa thuận mua, đây sẽ là quốc gia đầu tiên tại EU nhận được vắc xin COVID-19 của Nga.

Cơ quan quản lý dược EU tới nay cũng chưa phê chuẩn vắc xin Sputnik. Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đã nộp hồ sơ xin cấp phép cho vắc xin COVID-19 lên cơ quan quản lý dược phẩm EU và hi vọng sẽ được thẩm định hồ sơ trong tháng 2/2021.

Một trong những nguyên do vắc xin Sputnik của Nga chậm trễ triển khai trên toàn cầu là do chưa có đầy đủ dữ liệu thử nghiệm. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spal cho biết, việc cấp phép trước với bất cứ loại vắcxin nào cũng bao gồm khâu xem xét và đánh giá khắt khe với mọi dữ liệu bắt buộc về tính an toàn và hiệu quả.

“Trong quá khứ, phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để đưa vắc xin mới ra thị trường. Việc phát triển các loại vắc xin giảm độc lực hoặc vắc xin bất hoạt à một quá trình thử nghiệm rất phức tạp. Do đó, sẽ rất khó để tin tưởng vào vắc xin do Nga phát triển nếu các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 chưa được hoàn thành”, ông nói thêm.

merlin_183126585_fe99c0b0-cc49-4fc0-ac55-1b754d407327-superJumbo

Điểm tiêm vắc xin Sputnik V tại Buenos Aires, Argentina. Ảnh: Natacha Pisarenko / AP

Mặt khác, việc các nhà khoa học Nga đã không công bố bất kỳ dữ liệu nào từ các cuộc thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 của vắc xin Sputnik V mà nhanh chóng tiêm chủng diện rộng cũng khiến nhiều chuyên gia cảnh báo về độ an toàn

Chính vì vậy, việc Nga hoàn tất thử nghiệm giai đoạn cuối của vắc xin Sputnik sẽ là những dữ liệu đáng tin cậy rằng cho thấy loại vắc xin này có hiệu quả tương đương với những vắc xin được phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ và Anh và nhanh chóng cấp đến nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thỏa thuận giữa RDIF với một số quốc gia đối tác, khoảng 0,5 tỉ liều sẽ được sản xuất ngoài lãnh thổ Nga.

Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, gọi kết quả này là “tin tốt”.  Cho đến nay, 15 quốc gia khác, bao gồm Argentina, Hungary và Serbia, đã phê duyệt việc mua vắc xin Sputnik V để sử dụng khẩn cấp.

Các chuyên gia nhận định, việc nhanh chóng phê chuẩn sử dụng vắc xin Sputnik V có lợi cho việc tăng tốc độ miễn dịch toàn cầu đối với căn bệnh này, điều này cũng mang lại lợi ích về mặt ngoại giao cho chính phủ Nga, ngay cả khi người dân ở nhiều thành phố tỉnh lẻ của Nga vẫn chưa được tiếp cận với các mũi tiêm phòng.

Mặc dù vậy, nghiên cứu trên The Lancet cũng lưu ý rằng cuộc thử nghiệm vắc xin tại Nga thiếu sự đa dạng về sắc tộc để đảm bảo  an toàn cho những người dùng tại các khu vực khác trên thế giới. Do đó, các quốc gia có thể chờ đợi kết quả thử nghiệm Sputnik V tiến hành tại UAE để cân nhắc sử dụng vắc xin của Nga ra cộng đồng.

Khác với vắc xin BNT162b2 của Pfizer và BioNTech (sử dụng vật liệu di truyền ARN để cung cấp thông tin cho hệ miễn dịch giải pháp tổng hợp các kháng thể), vắc xin Sputnik V được Nga phát triển theo công nghệ vector virus.

Công nghệ này sử dụng hai adenovirus ở người (dòng virus rất phổ biến thường gây cảm lạnh) đã biến đổi làm vật chủ ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Đồng thờ, thay thế vài bộ phận của adenovirus bằng vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2, đồng thời loại bỏ protein mà adenovirus thường sử dụng để nhân lên.

Khi tiêm vắc xin chứa adenovirus đã biến đổi vào cơ thể, adenovirus mang vật liệu di truyền mới (của SARS-CoV-2) xâm nhập tế bào người được tiêm chủng. Tế bào sẽ tạo một loại protein đặc trưng của virus SARS-CoV-2 nhằm dạy cho hệ miễn dịch nhận biết và ngăn chặn SARS-CoV-2. Adenovirus vô hại vì không còn khả năng nhân lên và lây nhiễm.