Sau Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng và các địa phương cuối tuần trước, Bộ KH&ĐT đang xây dựng bộ khung phát triển quốc gia thời kỳ hậu COVID-19 theo tinh thần “bình phục” nhanh và “bứt phá” sau khi dịch đi qua …

Bộ KHĐT dự báo sơ bộ 2 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm so với mục tiêu 6,8% do tác động của dịch virus corona.

Chỉ tiền là chưa đủ

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho rằng, thời điểm này chưa biết tới bao giờ dịch mới hết. Việc đưa ra các kịch bản phát triển là điều cần thiết, nhưng nếu chỉ đưa ra gói hỗ trợ bằng tiền không sẽ chưa đủ mà cần có các chính sách, thể chế phù hợp.

” Thủ tướng yêu cầu, phải thay đổi cách làm, quyết liệt hơn, đó là cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, càng khó khăn, chúng ta càng tập trung cải cách, hoàn thiện các quy định pháp luật.

Trên thực tế, chưa thấy nước nào giải cứu được nền kinh tế vượt qua khủng hoảng chỉ bằng tiền. Còn nhớ, cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009, nhiều nước đã tung ra các gói kích thích kinh tế lớn, nhưng kết quả là không cứu được nền kinh tế, mà hệ lụy là dẫn tới khủng hoảng nợ công.

Trên thực tế, các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu đưa ra các kịch bản và các gói hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu. Đơn cử, tại Mỹ người ta đã đưa ra chính sách tài khoá lên tới 2.200 tỷ USD để kích thích kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng đưa ra nhiều gói hỗ trợ tiền tệ khác như giảm lãi suất xuống còn 0%- 0,25%, bên cạnh đó là gói 700 tỷ USD mua tài sản…

Còn tại Trung Quốc, gói kích thích tài khóa khoảng 1.300 tỷ nhân dân tệ (RMB) đã được Chính phủ thông qua. Chính phủ Trung Quốc cũng cho cắt giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đưa ra gói tái cấp vốn 800 tỉ RMB để các ngân hàng cho các tập đoàn lớn vay.

Cùng với đó, các quốc gia tại Châu Âu cũng đồng loạt tung ra nhiều gói cứu trợ nền kinh tế như Đức vừa thông qua gói cứu trợ COVID-19 lên đến 1.100 tỷ EUR (1.200 tỷ USD). Tây Ban Nha đã thông qua gói cứu trợ hơn 200 tỷ EUR (khoảng 219 tỷ USD)…

Tuy nhiên, mặc cho các gói cứu trợ tài chính được thông qua, Công ty McKinsey mới đây vẫn đưa ra 2 kịch bản của thế giới. Ở kịch bản 1, các quốc gia nhanh chóng và hiệu quả kiểm soát dịch trong khoảng 2-3 tháng. Cả Trung Quốc, Mỹ, EU đều tăng trưởng âm trong năm 2020. Các quốc gia sẽ bắt đầu hồi phục về trạng thái trước khủng hoảng (quý 4 năm 2019) bắt đầu từ quý 3 năm 2020.

Ở kịch bản 2, các quốc gia và khu vực sẽ rơi và suy thoái kinh tế sâu trong năm 2020. Trung Quốc sẽ phục hồi sớm nhất, vào quý 2 năm 2021. Mỹ và EU sẽ chỉ hồi phục về trạng thái trước khủng khoảng từ quý 1 năm 2023.

Giải quyết bằng thể chế

“Để giải quyết, phải xử lý bằng cả thể chế, chính sách! Chúng ta đang có nhiều dư địa để cải cách thể chế, chính sách. Nhân cơ hội này, cần đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế”, chuyên gia Võ Đại Lược đưa ra quan điểm.

Không chỉ ông Lược, nhiều chuyên gia thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân đồng quan điểm về việc cần tập trung ưu tiên các cơ chế chính sách. Đầu tiên, trong giai đoạn này cần ưu tiên chính sách nên hướng vào việc đảm bảo an ninh lương thực và phòng chống sự lây lan của bệnh dịch.

Tiếp đó, các chính sách phải nhằm vào việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, Chính phủ cần quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngắn hạn (chú trọng những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất) nhưng đồng thời cũng cần tránh sự đổ vỡ của các doanh nghiệp lớn, đầu tầu để từ đó lan sang các khu vực khác.

Các chính sách kích thích tổng cầu chủ yếu thông qua tăng đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng. Tránh việc lạm dụng chính sách tiền tệ gây ra các bất ổn kinh tế vĩ mô trong dài hạn. Cuối cùng là hình thành rõ các gói chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn và các gói chính sách giải cứu nền kinh tế trong dài hạn.

“Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát trong quý 2, các chuyên gia Đại học Kinh tế quốc dân dự báo GDP quý 2 năm nay chỉ tăng khoảng 2% so với quý 2 năm 2019, chỉ số VnIndex giảm khoảng 28%, xuất khẩu giảm khoảng 25%. Từ quý 3 năm nay, nếu dịch bệnh được khống chế, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi.

Trở lại với việc xây dựng kịch bản phát triển quốc gia hậu COVID, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bộ khung phát triển quốc gia thời kì hậu COVID-19 trước tiên, chúng ta cần kiểm soát dịch thành công số ca nhiễm mới tăng chậm, tăng nhanh số ca được điều trị khỏi. Tiếp theo, sẽ thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch sẽ gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi. Đồng thời, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.

Cần đánh giá tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng tiêu dùng…

“Không thể lại đứng ngoài hoặc đi sau, cần đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR:

Ở bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu COVID-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch. Việt Nam cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch, chia thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”. Trong mọi hoàn cảnh, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động và có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê:

Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết cho từng ngành thuộc ba khu vực của nền kinh tế để đạt mục tiêu 6,8%. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát và khống chế ngay trong quý II; dịch tả lợn châu Phi được khống chế hoàn toàn, tái đàn lợn thành công; các ngành công nghiệp chế biến chế tạo được cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ có giải pháp giải ngân hết vốn đầu tư công và có các chính sách thuế, chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể; hệ thống phân phối lưu thông cung cấp đầy đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại sau dịch COVID-19 thì nền kinh tế vẫn khó có khả năng tăng trưởng đạt mục tiêu 6,8%.