Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” (mã số KC.05/16-20) là một trong 7 chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2016-2020 do Bộ KH&CN chủ trì và quản lý.

30.10-Toan-cnh

TS. Trần Chí Thành, Chủ nhiệm Chương trình KC.05/16-20 báo cáo tổng kết

Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội.

Những đóng góp nổi bật

Theo TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình KC.05/16-20, Chương trình có 23 nhiệm vụ KH&CN, gồm 20 Đề tài khoa học và 03 Dự án sản xuất thử nghiệm. Chương trình KC.05/16-20 đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu, nội dung nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu đã đạt được các chỉ tiêu đề ra trong khung chương trình.

Chương trình đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc chuẩn bị đầu tư xây dựng thành công trung tâm KH&CN hạt nhân với lò nghiên cứu mới và xây dựng thành công đưa vào vận hành mạng lưới quan trắc phóng xạ, ứng phó sự cố hạt nhân quốc gia. Chương trình góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và năng lực tư vấn thẩm định của Việt Nam trong các nhiệm vụ liên quan đến phát triển năng lượng nguyên tử của đất nước, ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ, an toàn bức xạ và môi trường, an toàn hạt nhân theo định hướng quy hoạch phát triển năng lượng nguyên tử đến năm 2030.

Ngoài ra, chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có thể ứng dụng trong các ngành kinh tế kỹ thuật như: các sản phẩm dược chất phóng xạ với độ tính sạch cao trong sản xuất thuốc điều trị và chuẩn đoán ung thư; các chế phẩm sinh học cho độ tinh sạch cao và tăng năng suất trong nuôi trồng thủy sản; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ gạo; phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ trong sản xuất giống cây trồng nông nghiệp…

Đối với lĩnh vực năng lượng truyền thống, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, Chương trình đã góp phần phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng góp phần triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường.

Những kết quả thực hiện Chương trình đã có đóng góp khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân, vật liệu, nhiên liệu, hóa học… Nâng cao năng lực nghiên cứu, tư vấn, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Hình thành lên các nhóm nghiên cứu chủ động một cách độc lập trong lĩnh vực nghiên cứu mô phỏng, thiết kế, và gia công chế tạo các hệ dẫn dòng nơtron nhiệt và đơn năng chất lượng cao bằng kỹ thuật phin lọc nơtron để lắp đặt tại các kênh ngang của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và có thể áp dụng vào trường hợp của lò phản ứng nghiên cứu mới. Làm chủ và nâng cao trình độ công nghệ những lĩnh vực năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn…

Định hướng tương lai

Trong giai đoạn tới, Ban Chủ nhiệm Chương trình cho biết sẽ tập trung vào hai vấn đề: Thứ nhất, về năng lượng nguyên tử: Nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân tiên tiến, phân tích đánh giá an toàn nhà máy điện hạt nhân tiên tiến dùng lò nước nhẹ (LWR), nhà máy điện hạt nhân nổi và công nghệ lò phản ứng modul nhỏ (SMR); Nghiên cứu tính toán vật lý lò, tính toán thiết kế kênh nghiên cứu, chế tạo thiết bị đo, công nghệ xây lắp, vận hành, khai thác và đảm bảo an toàn; nhiên liệu và vật liệu hạt nhân; công nghệ quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng phục vụ triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với lò nghiên cứu mới. Nghiên cứu cơ sở khoa học hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển các kỹ thuật trong quan trắc phóng xạ môi trường, đánh giá tác động môi trường phóng xạ, xử lý các sự cố và tai nạn bức xạ, hạt nhân; Úng dụng công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ phục vụ các ngành, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường và y tế.

Thứ hai, về năng lượng truyền thống, năng lượng mới và năng lượng tái tạo: Chương trình sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng, gió, sinh khối, địa nhiệt, đại dương và nhiên liệu sinh học; xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn năng lượng phục vụ xây dựng Trung tâm dữ liệu năng lượng quốc gia; Năng lượng hydro; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến và thông minh trong khai thác, sản xuất và sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp nâng cao độ tin cậy, hiệu quả hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng, khai thác, lưu trữ và sử dụng năng lượng; Nghiên cứu ứng dụng và phát triển các công nghệ phục vụ chuyển dịch năng lượng trong khu vực công nghiệp, giao thông vận tải và tòa nhà thương phẩm.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, để các sản phẩm của Chương trình được chuyển giao vào sản xuất thì bản thân các nhà khoa học phải đề xuất trong công tác nghiên cứu và các doanh nghiệp đặt đầu bài cho các nhà khoa học. Bộ KH&CN đang nghiêm túc rà soát lại tất cả các khâu từ việc hình thành nhiệm vụ, phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt kinh phí… vấn đề gì chưa hợp lý, vấn đề gì cần cải tiến.

Lê Hà