Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cả nước riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Các thành phố lớn chiếm lượng rác thải rắn sinh hoạt lớn nhất. Ví như, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 – 9.000 tấn rác thải. Dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm.

Có thể thấy, khi kinh tế phát triển, đời sống nâng cao thì mức độ xả rác cũng tăng theo, vì vậy xử lý rác thải sinh hoạt trở thành vấn đề nóng. Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt vẫn tăng hàng năm. Tuy nhiên, do lượng phát sinh lớn, trong khi năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều địa phương vẫn còn thấp. Phần lớn tổng lượng chất thải vẫn được xử lý bằng phương pháp chỗn lấp (chiếm đến 71%) nhưng chỉ có 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác tại các địa phương đã ngày càng hạn hẹp.

Quốc hội cũng đã đưa ra mục tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89 – 90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt còn nhiều vướng mắc, trong đó, có công nghệ xử lý rác thải.

d5fcc029-f858-499d-be97-e67eeeb62b96

Điểm tập kết rác thải sinh hoạt

Về vấn đề này, ông Võ Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho rằng: Hơn 20 năm qua, chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực năng lượng xanh, phát triển dự án về năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió và điện mặt trời. Hiện doanh nghiệp cũng mong muốn mở rộng đầu tư sang dự án về xử lý rác thải và liên kết với các công ty của Đức, Phần Lan, Nhật Bản với mong muốn tìm ra những công nghệ tốt nhất. Tuy nhiên, chưa có công nghệ nào thực sự được áp dụng trực tiếp tại Việt Nam. Hiện nay, công nghệ Plasma – tiêu hủy hoàn toàn, đang được nghiên cứu và thí điểm, nếu thành công và giá thành phù hợp. Tôi cũng hy vọng có thể nhân rộng ở nước ta trong tương lai.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay công nghệ xử lý rác thải của Việt Nam còn quá “thô sơ”. Đầu tiên, có thể nói tới công nghệ san lấp, nó là hình thức đưa rác thải từ chỗ này sang chỗ khác chứ không phải là công nghệ xử lý rác thải. Vì nếu có vấn đề gì xảy ra với địa chất, nước mưa có thể sẽ dẫn tới ô nhiễm về môi trường, nguồn nước ngầm. Thứ hai, là công nghệ ủ phân, nhưng dường như cũng chưa phù hợp vì quá trình này có thể gây ra mùi và quá trình vận tải phân tới nơi cần có thực sự phù hợp.

Còn theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện nay công nghệ xử lý rác thải tại Việt Nam chủ yếu là chôn lấp. Tuy nhiên, cũng  chỉ chưa đầy 2% lượng rác được chôn lấp đúng cách, đúng tiêu chuẩn và hợp vệ sinh. Thứ hai là sử dụng công nghệ xử lý rác thải để sản xuất biogas và phan bón khoáng hữu cơ, nhưng công nghệ này khó đứng vững về tài chính và việc phân loại rác bằng tay nên có thể gây hại cho người lao động. Thứ ba là công nghệ xử lý rác hữu cơ thành phân compost, phân vi sinh, nhưng công nghệ này gặp khó bởi công tác phân loại rác, nên thành phẩm có thể bị lẫn kim loại nặng, khi bón cho cây nông nghiệp hoặc cây trồng có thể chết cây và ô nhiễm nguồn đất.

rac

Công nhân thu gom rác thải tại Hà Nội

Còn công nghệ đốt rác không phát điện thì rất gây ô nhiễm, nó chỉ làm sạch rác dưới đất và xử lý cho lên không khí. Mặc dù đã có Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, nhưng cũng đang gây ra một số bang khoăn cho những công nghệ tiên tiến khác. Còn công nghệ đốt rác phát điện mà các đại biểu đã đề cập, hiện có hai nhà máy ở Cần Thơ và ở Hà Nội vừa vận hành phát thử. Không biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có số liệu về khí thải của công nghệ này như thế nào, có đáp ứng được tiêu chuẩn của của Luật hay không, ông Huân bày tỏ.

Ông Huân cho rằng, theo Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thì muốn áp dụng công nghệ đốt rác và phát điện thì phải khuyến khích phân loại được rác. Tuy nhiên, cũng có độ trễ trong quá trình triển khai truyền thông, vận động người dân thực hiện khâu phân loại ngay từ đầu nguồn. “Bộ Khoa học và Công nghệ kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về các loại tiêu chí công nghệ. Công nghệ nào áp dụng trong bối cảnh chúng ta chưa phân loại rác tại nguồn như hiện nay, hoặc là có địa phương đã phân loại rồi nhưng do điều kiện hạ tầng trong quá trình trung chuyển, vận chuyển lại phải trộn lẫn”, ông Huân nhận định.

Theo các chuyên gia, để Nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành. Nếu không quyết liệt thực thi, lựa chọn công nghệ phù hợp, các độ thị, thành phố không thể hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Khánh Linh