Ứng dụng công nghệ thông tin phát hiện, theo dõi và điều trị COVID-19 phải đồng bộ trên và diện rộng, tránh “đầu voi, đuôi chuột” như những phần mềm trước đây.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường, ngày 9/11.
Từ kinh nghiệm chống dịch tại nhiều địa phương và học tập kinh nghiệm tại một số quốc gia, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất một số giải pháp cần được toàn hệ thống chính trị và xã hội quan tâm trong thời gian tới.
4 đề xuất
Thứ nhất, tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ những đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai… Bảo vệ cơ sở y tế, các viện dưỡng lão để không trở thành các ổ dịch, và đặc biệt là nhanh chóng tiêm phủ vaccine mũi 1 cho đại bộ phận dân số bởi mũi 1 giúp giảm tỷ lệ tử vong rất cao, sau đó mới tính đến mũi 2, mũi 3.
Thứ hai, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát hiện, theo dõi và điều trị covid trên phạm vi toàn quốc, không để riêng một bộ chủ trì trong triển các lĩnh vực vô cùng quan trọng này.
Hội đồng nghiệm thu phần mềm các app ứng dụng cần phải có các chuyên gia có kinh nghiệm, tâm huyết của ngành y tế, công an, quân đội, những người đã và đang trực tiếp tham gia chống dịch.
Sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh cần triển khai đồng bộ trên diện rộng, tránh hiện tượng “đầu voi, đuôi chuột” của những phần mềm trước đây. Rào cản lớn nhất theo tôi chính là cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất, các quy định, quy trình chưa tường minh dẫn đến hiệu quả còn khiêm tốn so với tiềm năng to lớn của công nghệ thông tin.
Theo cá nhân tôi nên lấy tiêu chí đơn giản và rộng mở để triển khai ứng dụng. Đơn giản là để bất cứ người dân nào có thể sử dụng được, thời gian nạp dữ liệu ngắn nhất và rộng mở là có thể thích ứng, tích hợp với tất cả các phần mềm đã, đang và sẽ triển khai trong tương lai.
Thứ ba, việc mở cửa phải từ từ nhưng nhất quán dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng, không mở cửa dựa vào cảm tính, không duy trì chế độ zero covid. Chúng ta cần trở lại cuộc sống bình thường thông qua việc tuân thủ các quy tắc sống an toàn với dịch, người dân không sợ covid, nhưng không thể chủ quan để dịch bùng phát diện rộng.
Thứ tư, chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất cho y tế tuyến huyện, quận, xã, phường…
3 kiến nghị
Thảo luận về kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống COVID-19 sáng nay, cơ bản thống nhất với các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và công tác phòng chống dịch COVID-19, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) kiến nghị 3 vấn đề.
Thứ nhất, về năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn đến nay mới có 77,9 % số xã được đầu tư nâng cấp; 48,8% trạm y tế xã được thực hiện tỷ lệ danh mục dịch kỹ thuật y tế tuyến xã, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, tổ chức bộ máy, kinh phí hoạt động phân cấp quản lý còn nhiều bất cập.
Thời gian tới, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân sau điều trị nhiễm dịch để lại di chứng như trẻ em mồ côi, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số số miền núi… rất cần được theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế nơi sinh sống.
Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng nguồn lực ngân sách cho y tế dự phòng, ngân sách chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia để có những chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cấp trạm y tế cấp xã, nhất là nơi có điều điều kiện kinh tế khó khăn.
Đề nghị Bộ Y tế tham mưu với Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế quản lý, tiêu chí trạm y tế quốc gia phù hợp với tình hình mới. Đề nghị các tỉnh, thành phố có chính sách thu hút bác sĩ về làm việc, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tăng cường nguồn lực cho trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Thứ hai, công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã được các cấp, các ngành quan tâm và có chuyển biến tích cực, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Tệ nạn đánh bạc trên không gian mạng đến tháng 10.2021 tăng 36,47 % so với cùng kỳ năm 2020.
Đầu tháng 11 tiếp tục phát hiện vụ đánh bạc quy mô lớn, hàng nghìn tỷ đồng, đánh bạc có tổ chức kéo dài trong những năm qua đã lôi kéo nhiều người tham gia.
Không chỉ người lao động tự do mà cả cán bộ, sinh viên đã làm cho nhiều gia đình “khuynh gia bại sản” gia đình ly tán, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội. Tội phạm ma túy cũng diễn biến phức tạp, người nghiện ngoài xã hội còn nhiều nguyên nhân của tội phạm nguy hiểm.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể, toàn diện hơn và có thể chế có chế tài đủ mạnh để phòng, chống tệ nạn cờ bạc trên không gian mạng. Quan tâm công tác phòng, chống ma túy, bố trí kinh phí cho công tác cai nghiện ma túy, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thứ ba, về phòng, chống dịch COVID-19, hiện tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tỉ lệ tiêm phòng và một số địa phương còn thấp, công tác phòng, chống dịch phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành chiến lược phòng, chống dịch, văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất, phù hợp kiểm soát cách ly y tế, thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới.
Công tác kiểm soát dịch cần được quan tâm đúng mức, cần duy trì kiểm soát tại các điểm chốt kiểm soát dịch là rất cần thiết, tránh lây lan dịch bệnh ra nhiều tỉnh ảnh hưởng phát triển kinh tế – xã hội.
Đề nghị cần có nhận định, đánh giá đúng mức kết quả thực hiện mục tiêu kép, thực hiện tốt việc kiểm dịch các chốt giao thông không chỉ để lưu thông nhanh mà còn phải đảm bảo an toàn để phát triển bền vững.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người tham gia phòng, chống dịch, người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
“Việc xây dựng chính sách cần khảo sát, đánh giá tác động, xác định đối tượng, mức hỗ trợ, dự kiến nguồn lực, thời điểm thực hiện phù hợp để Quốc hội xem xét, quyết định thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế, quyết an sinh xã hội”, đại biểu Đỗ Thị Lan nói.
Nguyễn Việt