Bà Agnes Heftberger Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Công nghệ IBM khu vực ASEANZK nhận định: Việt Nam là quốc gia có tốc độ ứng dụng công nghệ điện toán đám mây nhanh nhất khu vực ASEAN.
Ngày 20/9 vừa qua, IBM vừa chính thức khánh thành văn phòng mới tại Hà Nội, nhân dịp này, bà Agnes Heftberger, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Công nghệ của IBM tại khu vực ASEANZK đã chia sẻ những cam kết của IBM trong việc thúc đẩy tầm nhìn phát triển công nghệ số tại Việt Nam.
Trao đổi về xu hướng chuyển đổi số hiện nay, bà Agnes Heftberger cho biết đây là một quá trình đòi hỏi sự bắt đầu ngay và không nên chậm trễ.
Theo bà Agnes Heftberger, Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 62 trên thế giới về tốc độ chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ số. Điều này cho thấy Việt Nam đã khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt làn sóng công nghệ mới.
Việc cung cấp hạ tầng Đám mây lai (Hybrid Cloud) và Trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo dựng hệ sinh thái số cho phép các doanh nghiệp đối tác dựa vào đó để phát triển các dịch vụ công nghệ là những mảng trọng tâm trong hoạt động của IBM tại Việt Nam trong thời gian tới.
“Tại bất cứ nơi đâu, bạn sẽ đều thấy rằng những công nghệ tân tiến này cùng với các cam kết chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định thành công của mọi tổ chức lớn,” bà Agnes Heftberger chia sẻ.
Cũng theo bà Agnes Heftberger, đám mây lai cung cấp nền tảng cho sự đổi mới về quy mô, tính bảo mật, tính dễ dàng sử dụng, khả năng triển khai linh hoạt và tạo ra những trải nghiệm liền mạch. Nói ngắn gọn, đám mây lai tập trung cải tiến tốc độ và giá trị. Còn AI hiện là cách duy nhất để xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ được trao đổi từ đám mây lai tới những nơi khác.
Hiện nay, 2,5 tỷ tỷ byte dữ liệu được tạo ra mỗi ngày trên khắp thế giới. Một con số đáng kinh ngạc, khởi đầu bằng số 2,5 và nối tiếp bởi 18 số 0. “Đó chính là lí do tại sao việc ứng dụng AI đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, khi chính phủ Việt Nam muốn đưa đất nước trở thành quốc gia dẫn đầu về AI trong khu vực. Điều này cũng lý giải vì sao Việt Nam đang đứng đầu các nước ASEAN trong quá trình ứng dụng công nghệ điện toán đám mây. IBM có thể hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu kể trên”, bà Agnes Heftberger nhận định.
Bà Agnes Heftberger cũng nhận định rằng, các lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay đã nhận thức được khả năng chuyển đổi và tầm quan trọng của công nghệ trong hầu hết các bộ phận của một doanh nghiệp, do đó công nghệ từ chỗ chỉ được coi là một khoản “chi phí” để triển khai hoạt động kinh doanh thì giờ đây đã được đánh giá là một nguồn lực có khả năng mang lại cho doanh nghiệp những lợi thế cạnh tranh.
Theo các số liệu thống kê cho thấy, hơn một nửa tổng GDP được tạo ra trong tương lai sẽ bắt nguồn từ chuyển đổi số. Điều này là do vai trò quan trọng mà công nghệ có thể và cần phải nắm giữ trong tương lai, nếu chúng ta muốn giải quyết một số thách thức lâu dài nhất mà các doanh nghiệp, các chính phủ và xã hội hiện nay đang phải đối mặt.
Thông qua năm ví dụ về chuyển đổi số tại Việt Nam và khu vực ASEAN thời gian gần đây, IBM muốn thể hiện cam kết của tập đoàn với khách hàng và cộng đồng, đó là những điển hình thành công tại Ngân hàng Sacombank, Ngân hàng Tiên Phong Bank, VNPT, Đại học Quản lý và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Tổ chức tài chính Amret (Campuchia).
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, bà Agnes Heftberger khẳng định vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao và thời gian tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Việt Nam đang khá nhanh chóng trong việc tiếp cận làn sóng công nghệ mới và đang nỗ lực xây dựng đội ngũ nhân lực. Trong bố cảnh đó, IBM Việt Nam cam kết cùng các trường đại học xây dựng nguồn nhân lực đồng thời hỗ trợ hợp tác với các doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái IBM để thúc đẩy chuyển đổi số.
Tuấn Tú