Dịch nCoV-2019 bùng phát và diễn biến phức tạp đã đẩy đồng USD trên thị trường thế giới bật tăng mạnh, khiến USD/VND cũng tăng liên tục trong mấy phiên gần đây.
Tỷ giá tăng gần 0,3%
Sáng ngày 11/2, NHNN tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm thêm 6 đồng lên 23.217 đồng/USD. Đây là phiên thứ hai liên tiếp kể từ đầu tuần, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng với mức tăng tổng cộng là 16 đồng/USD. Với mức tỷ giá trung tâm hiện tại, tỷ giá sàn và tỷ giá trần cũng được nâng lên tương ứng là 22.520 đồng/USD và 23.914 đồng/USD. Sở Giao dịch NHNN cũng tăng giá bán ra USD lên 23.864 đồng/USD, trong khi giá mua vào vẫn được giữ ở mức 23.175 đồng/USD.
Mặc dù có phiên tăng xen kẽ với những phiên giảm, song tính chung trong tuần trước tỷ giá trung tâm cũng đã tăng thêm 5 đồng, trong khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng thêm tới 40 đồng/USD. Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 62 đồng, tương đương tăng gần 0,27%.
Giá mua – bán đồng USD tại các ngân hàng cũng tăng theo đà tăng của tỷ giá trung tâm. Chẳng hạn như Vietcombank, dù giá mua – bán USD của nhà băng này được điều chỉnh giảm tới 15 đồng xuống còn 23.150 – 23.320 đồng/USD trong sáng nay, song nguyên nhân chủ yếu do Vietcombank đã tăng rất mạnh giá mua – bán USD trong phiên hôm qua (tăng 25 đồng mỗi chiều). Vì thế, hiện giá mua bán đồng bạc xanh tại ngân hàng này vẫn đang cao hơn cuối tuần trước khoảng 10 đồng/USD.
Tính chung kể từ đầu năm đến nay, giá mua vào đồng bạc xanh của các nhà băng đã tăng khoảng 90 đồng lên 23.160 – 23.180 đồng/USD, trong khi giá bán ra cũng tăng tương ứng lên từ 23.320 – 23.330 đồng/USD.
Hiện chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào đồng bạc xanh đã được nhiều nhà băng đẩy lên tới 160 – 170 đồng/USD, thay vì mức bình quân khoảng 100 đồng/USD trong năm 2019. Theo lý thuyết, việc các nhà băng nới rộng khoảng cách bán – mua là để phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh đồng USD diễn biến rất khó lường và mức độ biến động cũng lớn hơn.
Quả vậy, đồng USD tăng liên tục kể từ đầu tháng 2/2020 đến nay, đặc biệt là trong tuần trước sau khi Trung Quốc tuyên bố giảm thuế đối với 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ cộng thêm những thông tin tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện chỉ số đồng USD so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt đang dừng ở mức 98,85 điểm, gần sát mức đỉnh 3 tháng là 98,86 điểm thiết lập trong phiên hôm qua.
Sức ép từ cặp USD/CNY
Theo một chuyên gia ngoại hối, hiện tỷ giá trong nước đang chịu sức ép lớn từ biến động của cặp USD và nhân dân tệ.
Quả vậy, trong khi USD liên tục tăng giá mạnh thì ngược lại, nhân dân tệ lại lao dốc. Theo Công ty chứng khoán SSI, đồng nhân dân tệ đã để mất tới 1,33% giá trị trong tuần trước đó và chốt tuần ở mức 7,0025 nhân dân tệ/USD.
Trong khi đó, tỷ giá trong nước chỉ tăng khá nhẹ kể từ đầu năm đến nay. Điều đó vô hình chung đã đẩy VND tăng giá khá mạnh so với nhân dân tệ. Nếu như cách đây một tháng, 1 nhân dân tệ đổi được 3.337,32 đồng Việt Nam, thì đến nay chỉ còn đổi được 3.325,21 đồng, có nghĩa nhân dân tệ đã mất giá khoảng 0,36% so với VND.
Mặc dù mức độ tăng giá của VND so với nhân dân tệ kể từ đầu năm nay là chưa nhiều, song nó sẽ lớn hơn khi mà dự báo cho thấy, đà giảm của nhân dân tệ có thể vẫn chưa dừng lại khi mà dịch nCoV-2019 vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế lớn đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc vì dịch nCoV-2019 như Barclays hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ 5,8% xuống còn 5,4%; Nomura hạ từ 5,7% xuống 5,6%; thậm chí S&P còn giảm mạnh từ mức 5,7% xuống còn 5%… Tăng trưởng chậm lại có thể buộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế và điều đó sẽ đẩy nhân dân tệ tiếp tục giảm giá.
Không chỉ Nhân dân tệ mà nhiều đồng tiền trong khu vực cũng đang giảm giá mạnh vì ảnh hưởng của dịch nCoV-2019. Trong đó nổi lên là đồng bath của Thái Lan, sau khi tăng gần 8% trong năm trước, hiện đồng nội tệ của Thái đang quay đầu giảm mạnh…
VND tăng giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vốn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch nCoV. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam dự báo sẽ giảm mạnh trong quý 1/2020 do ảnh hưởng của dịch nCoV-2019. Trong tháng 1/2020, kim ngạch xuất nhập khẩu đã giảm 11,3% so với cùng kỳ do Tết nguyên đán đến sớm. Cán cân thương mại thâm hụt 100 triệu USD trong khi 4 năm liền trước đều ghi nhận thặng dư.