Bắt đầu từ năm học 2026-2027, việc tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 trên toàn quốc sẽ được thực hiện theo nguyên tắc “gần nhà”, thay vì dựa trên địa giới hành chính (phân tuyến) như trước đây. Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn chia sẻ trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vào ngày 15/5.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sự thay đổi này nằm trong lộ trình sắp xếp lại đơn vị hành chính và đổi mới công tác quản lý giáo dục. Trong đó, các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở sẽ được chuyển từ cấp huyện về xã quản lý, trong khi các trường trung học phổ thông vẫn do cấp tỉnh phụ trách. Trung bình, mỗi xã hoặc phường sẽ có khoảng 7.000 học sinh. Việc điều chỉnh tuyển sinh sẽ ưu tiên đảm bảo học sinh được học tại cơ sở giáo dục gần nơi cư trú nhất, giúp thuận tiện trong việc đi lại và giảm áp lực cho phụ huynh, học sinh.

Tuyển sinh đầu cấp theo nguyên tắc “gần nhà” sao cho phù hợp lộ trình sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Cách làm mới sẽ dựa trên ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – GIS). Thay vì phân tuyến theo phường, xã, quận như hiện nay, học sinh sẽ được phân bổ chỗ học dựa trên địa điểm cư trú thực tế và khoảng cách từ nhà đến trường được tính toán trên bản đồ số.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên áp dụng thành công mô hình này từ năm học 2023. Ban đầu thí điểm tại ba đơn vị là quận 8, quận Tân Bình và thành phố Thủ Đức, sau đó mở rộng ra toàn thành phố. Cách làm mới đã nhận được sự ủng hộ lớn từ phụ huynh và học sinh do giúp hạn chế tình trạng “chạy” hộ khẩu và học trái tuyến.
Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT cũng đang nghiên cứu và chuẩn bị triển khai hệ thống GIS trong tuyển sinh đầu cấp từ năm học 2026-2027. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết việc ứng dụng bản đồ số sẽ hỗ trợ tính toán chính xác khoảng cách từ nơi ở đến trường, từ đó giúp học sinh được học tại các trường gần nhất, thuận tiện hơn cho việc đưa đón.
Việc bỏ tuyển sinh theo địa giới hành chính và áp dụng mô hình “trường gần nhà” không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và phụ huynh, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số và cải cách hành chính.
Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả, các địa phương cần đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, cập nhật dữ liệu cư trú kịp thời và công khai lộ trình thực hiện để phụ huynh có thể nắm rõ. Đặc biệt, cần có các phương án linh hoạt đối với những khu vực có mật độ dân cư cao hoặc thiếu trường học trong bán kính gần.
Đỗ Khuyến