Các điểm mới trong dự thảo Quy chế về công tác tuyển sinh năm 2022 sắp được ký ban hành, trong đó đáng lưu ý nhất là việc thay đổi cách tính điểm cộng ưu tiên.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua thống kê điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ba năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng ba môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).
Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm ba môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên; điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý là tỷ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm thậm chí tỷ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên.
Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, để khắc phục sự bất hợp lý nêu trên, đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống, và có lộ trình áp dụng (từ năm 2023), dự thảo quy chế quy định: Mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 – tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
Ví dụ, nếu lấy mốc 24 điểm, thì những thí sinh đạt từ 24 điểm/3 môn trở xuống vẫn sẽ được hưởng điểm ưu tiên như hiện nay. Nhưng nếu thí sinh đạt mức 25 điểm sẽ chỉ còn được hưởng 5/6 mức điểm ưu tiên, 27 điểm sẽ chỉ còn 3/6… Thí sinh 30 điểm thì không còn được điểm ưu tiên.
Như vậy sẽ không có thí sinh có điểm xét vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên tổng số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm. Áp dụng chính sách ưu tiên là nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ đó lại làm nhóm thí sinh khác bị bất lợi và yếu thế.
Theo đó, dự thảo quy chế quy định từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Các năm tiếp theo, các em sẽ không được hưởng chính sách này. Theo dự thảo ngày 31/3, thí sinh chỉ được hưởng điểm ưu tiên khu vực trong năm đầu tiên thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, việc tính mức điểm ưu tiên cũng được điều chỉnh theo hướng thí sinh có điểm càng cao, mức điểm cộng ưu tiên sẽ càng giảm. Các điểm mới này trước đó không có trong bản dự thảo quy chế được Bộ công bố để lấy ý kiến công luận từ ngày 31/3.