Mặc dù không hoàn thành những gì đã cam kết, nhưng ông Trump đã để lại một di sản ngoại giao quan trọng và ấn tượng cho ông Biden: Mối quan hệ Mỹ – Triều Tiên.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama trao lại quyền lực cho người kế nhiệm vào đầu năm 2017, ông cho biết một vấn đề có thể sẽ đặc biệt phức tạp: Triều Tiên và chương trình hạt nhân của nước này. Và trên cương vị Tổng thống, ông Donald Trump đã dành rất nhiều thời gian cho vấn đề Triều Tiên trong hai năm đầu cầm quyền.
Qua rất nhiều vòng đàm phán, hai nhà lãnh đạo đã gặp mặt trực tiếp ba lần, trong đó có hai hội nghị thượng đỉnh chính thức. Những tín hiệu này làm dấy lên niềm lạc quan rằng, có thể có mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước và thậm chí tiến tới việc Triều Tiên có thể từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, đó chỉ là một kết quả viển vông.
Rüdiger Lentz, giám đốc điều hành của Viện Aspen đánh giá, thời điểm sau cuộc gặp tại khu phi quân sự liên Triều, ông Trump đang chuẩn bị để bước vào cuộc tranh cử Tổng thống. Vì vậy, những gì ông ấy tìm kiếm là một thành công nhanh chóng.
“Nhưng Triều Tiên cũng có những tham vọng riêng và họ không dễ dàng từ bỏ những tham vọng đó. Việc ông Trump hoàn toàn đánh giá thấp trò chơi mà đối thủ đã chơi với ông ấy đã dẫn đến một cái kết lửng cho mối quan hệ này”, chuyên gia Lentz phân tích.
Mặc dù điều ông Trump mong muốn đã không thành hiện thực, tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ – Triều đã đạt được một số tiến bộ nhất định. Giới quan sát cho rằng, nhìn theo khía cạnh tích cực, hai bên đã đạt được một sự hiểu biết nhất định. Ít nhất các kênh đối thoại đã mở và có thể được sử dụng lại trong tương lai.
Giờ đây, khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống thứ 46, một trong những mối quan tâm lớn nhất chính là quan hệ Mỹ – Triều dưới thời của ông sẽ tiếp tục ra sao?
“Chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn. Xuất phát từ phản ứng của Triều Tiên”, Park Won-gon, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong của Hàn Quốc cho biết. Ông chỉ ra, Triều Tiên đang thể hiện sự thất vọng về mối quan hệ với Mỹ qua việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un “đánh động” khi tuyên bố xây dựng kho vũ khí hạt nhân, gọi Mỹ là kẻ thù lớn nhất “bất kể ai nắm quyền”, chỉ vài ngày trước khi ông Biden nhậm chức.
Việc Mỹ có Tân Tổng thống đồng nghĩa với Triều Tiên cần thời gian quan sát thái độ của chính quyền mới. Trong khi Triều Tiên nói rõ rằng họ muốn Hoa Kỳ nhượng bộ, ông Biden khó có thể lặp lại các cuộc đàm phán ngoại giao kiểu Trump và chỉ đồng ý đàm phán khi Bình Nhưỡng giảm các chương trình hạt nhân.
Bình Nhưỡng có thể tin rằng thời gian là ở phía họ, vì nhiều vũ khí hơn không chỉ có nghĩa là nhiều biện pháp hơn để bảo vệ đất nước mà còn là đòn bẩy lớn hơn trong bất kỳ cuộc đàm phán ngoại giao nào trong tương lai.
Do đó, giáo sư Park cho rằng, để đạt được sự tiến triển trong việc đàm phán với Triều Tiên, nhiều khả năng ông Biden cần sự phối hợp với các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hàn Quốc đã bị sốc khi Tổng thống Trump tuyên bố đình chỉ các cuộc tập trận quân sự Mỹ – Hàn mà không hỏi ý kiến họ. Và Nhật Bản lo lắng rằng Mỹ sẽ thu hẹp quy mô hoặc thậm chí rút quân khỏi Hàn Quốc, điều này sẽ gây ra những tác động an ninh lớn cho đất nước.
Những khác biệt như vậy có thể bị Triều Tiên khai thác. Để đảm bảo sự ổn định trong khu vực, Mỹ cần tiến hành tham vấn chặt chẽ hơn với các đồng minh về hình thức đàm phán với Triều Tiên và những nhượng bộ có thể tác động đến họ trong bất kỳ chính sách ngoại giao nào trong tương lai.
Thậm chí, ông Biden có thể khai thác sự hợp tác từ Trung Quốc, bất chấp sự lạnh nhạt trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Mặt khác, ông Biden sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ tổng thống của mình là liệu chính quyền của ông có đảo ngược cam kết mà Trump đưa ra sau cuộc gặp đầu tiên với Kim tại Singapore vào tháng 6/2018 hay không.
Dù quan hệ ngoại giao có diễn ra giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên hay không, nhưng ông Biden nên đảm bảo rằng chính quyền của mình phối hợp với các bên liên quan ở mức tốt nhất có thể.
Không phải điều gì dưới thời Trump cũng là sai lầm, và quan hệ với Triều Tiên là khía cạnh như vậy. Bất kể những mối bận tâm của Biden là gì, ông có thể sẽ nhận ra rằng Triều Tiên đang cố gắng trở lại thành vấn đề hàng đầu trong chính sách của ông.
Cẩm Anh