quick_commerce_delivery-hero-1-1600x800-enternews-1633517325

 

QCom hay Quick Commerce (thương mại nhanh) để chỉ những mô hình thương mại mà trong đó quá trình mua và giao đến tay khách hàng diễn ra rất nhanh, thường chỉ trong 1 – 2 tiếng đồng hồ. Các mảng thường có của Quick Commerce là giao đồ ăn, giao hàng thương mại điện tử và giao hàng tạp hóa (thực phẩm).

Tại Việt Nam hiện nay, mảng giao đồ ăn vẫn là một cuộc chiến khốc liệt. Theo chia sẻ của ông John Nguyễn, Head of Business của Zeek Việt Nam, thị trường giao đồ ăn Việt Nam bắt đầu có khởi sắc vào năm 2015. Khi đó Foody đã đầu tư phát triển DeliveryNow (giờ là ShopeeFood). Kể từ đó về sau, những Grab, GoViet, Loship, Baemin, v.v. ra đời đã khiến mảng giao đồ ăn nhộn nhịp hơn rất nhiều. Sự phát triển này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn chưa bão hòa, còn có tiềm năng khai thác.

Ngược lại với sự phát triển của mảng giao đồ ăn, thì Qcom trong thương mại điện tử hiện nay lại hụt hơi khá nhiều.

Trước đây khách hàng thường nghe tới dịch vụ giao hàng nhanh trong 2 giờ của Tiki Now hoặc Lazada. Nếu TikiNow là giao hàng 2 giờ đúng nghĩa thì Lazada lại hơi “lách luật” một chút, 2h là tính từ lúc người bán giao hàng đến tay đơn vị vận chuyển.

Tuy nhiên 2 giờ cho các dịch vụ giao hàng nhanh của các sàn thương mại điện tử vẫn chưa làm hài lòng khách hàng Việt Nam vì còn nhiều thiếu sót. Chẳng hạn dịch vụ này chỉ áp dụng tại một số ít thành phố hoặc yêu cầu phải đặt trước một khung giờ nào đó. Và thiếu sót phổ biến nhất là giao hàng trễ hơn 2 giờ.

pictures_library_34923_20191104163115_2875-enternews-1633517351

 

Vậy nên theo những người trong ngành, các dịch vụ giao hàng nhanh của sàn thương mại điện tử thường mang tính chất marketing hơn là một dịch vụ khách hàng.

Về giao hàng tạp hóa nhanh. Hiện nay trên thế giới dịch vụ này đang phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, chuỗi cửa hàng tạp hóa Kroger đã hợp tác với Instacart Express để giao hàng nhanh trong 30 phút. Theo Kroger, dịch vụ này có tiềm năng phục vụ đến 50 triệu hộ dân Hoa Kỳ.

Hoặc tại châu Âu, thời gian giao hàng tạp hóa rút ngắn chỉ còn 10 phút. Đó là dịch vụ Hop, một sản phẩm kết hợp giữa công ty giao hàng Deliveroo (Anh) và chuỗi siêu thị Morrisons. Ngoài Hop, các đại diện giao hàng tạp hóa nhanh ở các quốc gia khác còn có Getir (Thổ Nhĩ Kỳ), Gorillas (Đức) hoặc Zapp (Anh).

Ở Việt Nam, trong thời gian giãn cách vì đại dịch thì dịch vụ giao hàng tạp hóa, đi chợ hộ cũng khá phổ biến. Ngoài những GrabMart, NowFresh, BaeminMart truyền thống, thì các cái tên mới như Choop, Kamereo, v.v. cũng dần phổ biến. Thậm chí các siêu thị như BigC, Coop Mart, Bách Hóa Xanh cũng nhanh chóng thích nghi và tham gia sôi nổi vào mảng này.

capture-enternews-1633517397

 

Tuy nhiên theo các nhà quan sát, dịch vụ giao hàng tạp hóa này sẽ không dễ sống tại thị trường Việt Nam, đặc biệt khi các địa phương đã có những biện pháp mở cửa, bình thường mới.

Thứ nhất là vì mạng lưới các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, các chợ cóc, chợ tạm, v.v. rất dày đặc. Mọi người chỉ cần đi vài bước là có thể mua tại chỗ.

Thứ hai là do thói quen mua sắm của người Việt. Họ vẫn thích đích thân ra chợ để tự chọn lựa, mua sắm thực phẩm. Thêm vào đó, người dân thường đi xe máy, rất tiện lợi để đi vào các chợ cóc, chợ tạm trong khu vực.

Do đó, ngay cả khi các app giao đồ ăn phát triển thêm mảng giao hàng tạp hóa như ở trên, thì lượng giao dịch, đặt đơn vẫn còn rất nhỏ so với số lượng đơn đồ ăn.

Vậy nên có thể nói rằng, trong thời gian tới thì Qcom tại Việt Nam vẫn sẽ tập trung vào mảng giao đồ ăn nhất. Qcom trong thương mại điện tử có thể được cải thiện nếu tìm được biện pháp đúng đắn giải quyết tình trạng phân tán giữa người bán và người mua. Còn Qcom trong giao hàng tạp hóa vẫn đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Quân Bảo