chungkhoan-giam

Nhà đầu tư nên làm gì trong tuần giao dịch mới của năm 2021?

VN-Index đóng cửa phiên cuối cùng của năm 2020 tại mức 1.103,87 điểm, tăng 15% so với thời điểm cuối năm 2019.

Trong phiên 31/12, mặc dù đối mặt với lực cung đáng kể, dòng tiền vẫn tham gia tích cực giúp VN-Index đóng cửa trong sắc xanh. VN-Index tăng 0,58%, trong khi đó chỉ số VN30 tăng 1.1%, tốt nhất trong các nhóm vốn hóa. Sàn HOSE ghi nhận 216 mã tăng giá, vượt trội so với 115 mã giảm điểm. Sắc xanh lan tỏa tại các nhóm vốn hóa, trong đó VN30 tăng 1,1% lên 1.070,77 điểm với 19 cổ phiếu tăng giá. Đại diện của nhóm Largecap bao gồm MSN (+6,5%), GVR (+5,1%), TCB (+5,4%) dẫn đầu về số điểm tăng đóng góp cho VN-Index. Trong khi đó, VN Midcap và VN Smallcap Index tăng tương ứng 1,06% và 0,83%.

Nhóm Chứng khoán tăng mạnh trở lại trong ngày cuối năm 2020. SSI tăng 5,1%, VCI tăng 4,3%, HCM và VND cũng đều tăng quanh mức 2%. Một số lĩnh vực khác ghi nhận sắc xanh chiếm ưu thế gồm có Ngân hàng, Thép, Cảng biển, Đá xây dựng, Thủy sản,…

Thanh khoản thị trường thu hẹp trong phiên cuối cùng của năm, đạt 10.8 nghìn tỷ đồng so với quy mô 13,3 nghìn tỷ đồng ngày gần nhất.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại trên HOSE với quy mô 209.4 tỷ đồng, giao dịch tập trung vào HPG (+75.9 tỷ đồng), FUEVFVND (+73 tỷ đồng),…

Khối lượng giao dịch giảm mạnh trong phiên cuối cùng của năm (gần 20%). Một phần nguyên nhân có thể được giải thích bởi việc nhà đầu tư hạn chế giao dịch trong ngày cuối năm, nên điều này sẽ không tác động nhiều tới xu hướng chung của thị trường.

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, SSI Research cho rằng việc VN-Index nỗ lực vượt ngưỡng cản tâm lý 1.100 điểm cùng với động thái quay trở lại hỗ trợ thị trường của nhóm vốn hóa lớn cho thấy khả năng VN- Index đã quay lại với đà tăng sau phiên điều chỉnh liền trước. Thêm vào đó, do các vùng giá mục tiêu trên VN- Index (nằm tại 1.140 điểm và 1.200 điểm) đang nằm khá cao so với vùng giá hiện tại, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu.

Ở một góc nhìn dài hạn hơn, rủi ro có thể gia tăng khi thị trường tiến gần đến vùng 1.140 – 1.150 điểm, do đó nhà đầu tư cần phòng ngừa rủi ro bằng các chiến lược giao dịch phù hợp tại các vùng cản nêu trên” – SSI Research khuyến nghị.

Còn theo ông Trần Xuân Bách, chuyên gia phân tích từ CTCK Bảo Việt (BVSC), thị trường dự báo sẽ có diễn biến khởi sắc trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2021. Vn-Index sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1110-1130 điểm trong ngắn hạn.

Chúng tôi vẫn lưu ý đến các phiên rung giật mạnh có thể sẽ xảy ra đan xen trong qua trình đi lên của chỉ số do hiện tại số lượng các cổ phiếu ở vào trạng thái quá mua đã lan tỏa trên diện rộng. Dòng tiền trong nước sẽ vẫn là động lực chính hỗ trợ cho đà tăng của thị trường” – ông Trần Xuân Bách cho biết.

Về chiến lược đầu tư, theo ông Bách, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục hiện tại lên mức 30-50% cổ phiếu. “Các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục xem xét bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự mà chúng tôi đề cập” – chuyên gia nói.

thi-truong-chung-khoan-nang-lo-100

Từ hôm nay, nhà đầu tư chỉ có thể giao dịch từ 100 cổ phần và bội số của 100.

Đáng chú ý, kể từ thứ hai ngày 04/01/202, HoSE sẽ chính thức điều chỉnh nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phần. Việc nâng lô chẵn từ 10 chứng khoán lên 100 chứng khoán được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải tình trạng “nghẽn” hệ thống như hiện nay. Theo đó, đơn vị giao dịch lô chẵn áp dụng tại HOSE sẽ là 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ ETF và chứng quyền.

Như vậy, lô giao dịch trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM sẽ được đồng bộ là 100 đơn vị. Nhà đầu tư có thể giao dịch tối thiểu từ 100 chứng khoán và bội số của 100. Điều này kỳ vọng sẽ giảm 18% lệnh giao dịch trên thị trường.

Tuy vậy, theo đánh giá của Hiệp hội nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc nâng lô giao dịch này cũng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ khó có thể tiếp cận với các cổ phiếu thị giá lớn.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, việc nâng lô chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài khi thị trường tăng trưởng hơn nữa, đặc biệt năm 2021 nhiều khả năng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng thì thanh khoản sẽ còn dư địa tăng mạnh chứ không còn chỉ dừng ở mức 13.000-14.000 tỷ đồng như vừa qua.  Như vậy, mấu chốt vẫn phải nâng cấp cơ sở hạ tầng giao dịch.