V.I. Lênin – vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân tiến bộ và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, người lãnh đạo thành công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người. Từ thực tiễn phong phú và sinh động của cách mạng Việt Nam, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc những tư tưởng cách mạng và khoa học của V.I. Lênin, trong đó có tư tưởng về công nghiệp hóa trong Chính sách kinh tế mới (NEP) ở Nga.
Về tính tất yếu của công nghiệp hóa. Nguyên nhân sâu xa là, ngay sau Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lênin cùng Đảng Bôn-sê-vích bắt tay vào việc vạch đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước tư bản phát triển trung bình, còn lạc hậu về kinh tế, nhất là chưa trải qua công nghiệp hóa; trong khi đó lại đơn độc trong vòng vây của chủ nghĩa tư bản thế giới. Nguyên nhân trực tiếp là do Chính sách “cộng sản thời chiến” trước đó hoàn toàn không phải là một chính sách kinh tế tất yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà chỉ là một chính sách tạm thời.
Chính sách “cộng sản thời chiến” đã hoàn thành vai trò lịch sử bất đắc dĩ của nó, giờ đây không thể tiếp tục được thực hiện, vì chính sách này không còn kích thích nông dân hào hứng sản xuất, nông dân nhiều nơi đã tỏ ra bất mãn với Chính sách “cộng sản thời chiến” (thể hiện rõ ở cuộc bạo loạn Cron – Xtat gần Lê-nin-grat); khối liên minh công nông có nguy cơ tan vỡ. Do đó việc kéo dài thực hiện chính sách đó, trong điều kiện có nội chiến và can thiệp, đã làm cho nền kinh tế nước Nga bị lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng và được V.I.Lênin đã ví nền kinh tế nước Nga lúc này như một người bị đánh “thập tử nhất sinh” chỉ có thể đi lại bằng đôi nạng.
Trong bối cảnh đó, với một sự táo bạo dám vượt lên chính mình, trong tác phẩm “Bàn về chế độ hợp tác xã” V.I.Lênin đã cho rằng, “ngày nay chúng ta cần thay đổi căn bản nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội. Đó là, trước đây chúng ta đã và không thể không tập trung vào nhiệm vụ giành và giữ chính quyền, thì ngày nay là chuyển nhiệm vụ tổ chức xây dựng kinh tế, văn hóa”.
Trở lại với những suy nghĩ đúng đắn năm 1918, V.I.Lênin đưa ra một hệ thống các quan niệm mớii về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của một nước đa số là nông dân, nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh trong NEP.
Về mục tiêu của công nghiệp hóa. Theo V.I.Lênin, về trước mắt là khắc phục khủng hoảng kinh tế khi kéo dài Chính sách “cộng sản thời chiến”; về lâu dài là xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Bởi vì, cốt lõi của NEP đã tạo điều kiện phát triển lực lượng sản xuất, vì nó đáp ứng được yêu cầu của các quy luật kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế hàng hóa và có nhiều thành phần.
Về phương thức tiến hành công nghiệp hóa. Tư tưởng chủ đạo được V.I.Lênin đề ra đó là: Thứ nhất, bãi bỏ chế độ trưng thu lương thực thừa thay vào đó là thuế lương thực; thứ hai, những xí nghiệp nhỏ trước đây bị quốc hữu hóa, nay cho tư nhân thuê hay mua lại để kinh doanh tự do (chủ yếu là xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng); thứ ba, phát triển mạnh tiểu, thủ công nghiệp; thứ tư, cho phép mở rộng trao đổi hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp, cho thương nhân được tự do hoạt động (chủ yếu trên lĩnh vực bán lẻ) để góp phần khôi phục kinh tế, củng cố lại lưu thông tiền tệ trong nước, chú trọng quan hệ hàng hóa – tiền tệ, phát triển kinh tế hàng hóa; thứ năm, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; thứ sáu, thực hiện chế độ hạch toán kinh doanh trong các xí nghiệp quốc doanh.
Về động lực tiến hành công nghiệp hóa. Thứ nhất, phải đứng vững trên “chân nông nghiệp”. Để nâng cao sức sản xuất của nông dân trong điều kiện hoà bình và sản xuất bình thường, phải sửa đổi lớn trong hàng loạt chính sách. Trực tiếp và cấp bách nhất là thay chế độ trưng thu lương thực thừa bằng chính sách thuế lương thực. Điều đó, như V.I.Lênin chỉ rõ, có nghĩa là thừa nhận việc trao đổi hàng hóa, đặt việc trao đổi sản phẩm giữa nông dân và công nhân trên quan hệ thương mại.
Theo đó, V.I. Lênin nêu thành nguyên tắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ở những nước kinh tế kém phát triển là phải kết hợp nhiệt tình cách mạng với “khuyến khích lợi ích cá nhân”, “sự quan tâm thiết thân của cá nhân”, là áp dụng chế độ hạch toán kinh tế. Đó là nguyên tắc bởi nếu không làm như thế thì không thể khơi dậy động lực bên trong của nền kinh tế, không thể tạo ra nhiều lương thực cho xã hội và cho công nghiệp, không tạo ra được sự liên kết về kinh tế giữa hàng chục triệu nông dân lại và dẫn dắt họ đi lên giai đoạn cao hơn trên con đường phát triển xã hội – kinh tế.
Điều kiện bảo đảm cho nền kinh tế đi xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước mà không chệch quỹ đạo xã hội chủ nghĩa là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của chính quyền công nông và việc nhà nước vô sản nắm chắc trong tay các vị trí yết hầu, chỉ huy của nền kinh tế (nền công nghiệp lớn, các ngân hàng, đường sắt…). V.I. Lênin chủ trương tìm mọi cách có thể được để mở rộng quan hệ làm ăn với tư bản nước ngoài trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, buôn bán trao đổi văn minh, Người đề xưống cả chính sách tô nhượng.
Thứ hai, phát triển đại công nghiệp là xương sống của công nghiệp hóa. Xây dựng chủ nghĩa cộng sản, về thực chất là sự nghiệp mang tính kinh tế. Luận điểm lớn ấy của C.Mác đã được V.I. Lênin lần đầu tiên vận dụng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết. Người nhấn mạnh rằng, muốn biến nước Cộng hoà Xôviết thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa đúng với tên gọi của nó thì điều cơ bản nhất là phải tạo cho được bước nhảy vọt lớn về lực lượng sản xuất, về năng suất lao động trên quy mô xã hội. Vì vậy, điều kiện tiên quyết phải xây dựng cho được một nền đại công nghiệp hùng mạnh. Người viết: Cơ sở thật sự và duy nhất để làm tăng các nguồn dự trữ của chúng ta, để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ có thể là đại công nghiệp.
Người còn nói: trong nước ta, công tác kinh tế phải là sự nghiệp chung của tất cả mọi người. Đối vối chúng ta, đó là hoạt động chính trị có ý nghĩa nhất. Từ một đất nưốc lạc hậu, bị kiệt quệ sau chiến tranh, nằm giữa vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, nhất thiết phải có nền đại công nghiệp cơ khí và các ngành công nghiệp khác, cho phép thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế quốc dân phát triển, nhất là để cải tạo nền nông nghiệp không cần nhiều vốn, đòi hỏi các xí nghiệp phải được quản lý tốt, phải thi đua nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp then chốt, áp dụng hình thức tô nhượng trong một số xí nghiệp, hầm mỏ lớn…
Công thức nổi tiếng của V.I.Lênin “chủ nghĩa cộng sản = chính quyền Xôviết + điện khí hóa toàn quốc”. Ngoài ra, V.I.Lênin dám đổi cả tá người cộng sản không biết làm việc lấy một chuyên gia tư sản giỏi và chỉ cho nước Nga: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xôviết + trật tự đường sắt Phổ + kĩ thuật và cách tổ chức các tờ-rớt của Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ… + + = Σ (tổng số, tổng kết lại) = chủ nghĩa xã hội” (1) nói lên rằng, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nhất thiết phải dựa trên nền công nghiệp hiện đại mà đặc trưng lúc đó là điện khí hóa.
Đương nhiên, trong điều kiện thế giới ngày nay, không thể hiểu nội dung công nghiệp hóa như những năm đầu thế kỷ XX. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay không chỉ là cơ khí hóa, điện khí hóa mà còn bao hàm tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sinh học, v.v.. Song, quan điểm của V.I. Lênin, về thực chất, cho rằng muốn có chủ nghĩa xã hội cần phải có chính quyền của nhân dân lao động cộng với lực lượng sản xuất hiện đại thông qua đẩy mạnh công nghiệp hóa vẫn là định hướng cơ bản trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Khó có thể đánh giá hết được ý nghĩa lịch sử vĩ đại của tư tưởng V.I. Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung, về công nghiệp hóa trong NEP nói riêng.
Nhờ thực hiện sáng tạo và quyết tâm chính trị cao, trong một thời gian ngắn, Nhà nước Xô-viết đã khôi phục được nền kinh tế quốc dân bị chiến tranh tàn phá, tạo tiền đề để đẩy mạnh công nghiệp hóa; trong đó, ngành đại công nghiệp được phục hồi, tổng sản lượng công nghiệp năm 1925 so với năm 1913 đạt 75,5% và đến năm 1926 thì khôi phục được 100%; kế hoạch điện khí hóa tiến hành có hiệu quả, ngành điện và cơ khí chế tạo vượt mức trước chiến tranh, nhiều xí nghiệp công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm đã đạt và vượt mức trước chiến tranh; đặc biệt, đã tiến được một bước dài trong việc củng cố khối liên minh công nông; một nhà nước công nông nhiều dân tộc đầu tiên trên thế giới đã được thành lập, đó là Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết (tháng chạp năm 1922).
Chính sách kinh tế mới có ý nghĩa quốc tế to lớn. Đối với các nước tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đều cần thiết vận dụng nội dung cơ bản của chính sách kinh tế mới, chẳng hạn như vấn đề quan hệ hàng hóa – tiền tệ, phát triển kinh tế hàng hóa, nguyên tắc liên minh công nông, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần v.v.. như Việt Nam, nhất là, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay tư tưởng đó của V.I.Lênin có điều kiện được thực thi.
Kỷ niệm 152 năm Ngày sinh của V.I.Lênin vĩ đại, chúng ta cần ra sức vận dụng tốt hơn nữa và phát triển sáng tạo tư tưởng, phương pháp cách mạng và khoa học của V.I.Lênin để giải quyết đúng đắn và thành công những vấn đề, những nhiệm vụ mà thực tiễn đang đặt ra trước Đảng ta và nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới nói chung, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng theo định hướng xã hội chủ nghĩa để quyết tâm thực hiện mục tiêu chiến lược: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” (2) mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định./.
Chú thích:
(1) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.684
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb.CTQG, Hà Nội, tr.35.