bamia

Ông Huy tại cơ sở sản xuất

Khởi nghiệp từ trồng mía

Ông Huy kể năm 1973, sau khi hoàn thành chương trình tú tài, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông phải đi khắp nơi kiếm sống. Đến năm 1981, khi biết vùng Tân Uyên (Tây Ninh) có chủ trương phát triển kinh tế mới, ông đã xung phong nhận 80 ha đất trồng mía, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường. Mới chân ướt chân ráo lên khai phá vùng đất hoang, khô cằn lại thiếu vốn đầu tư, chưa có kinh nghiệm, nên mía chết hàng loạt mấy vụ liền khiến ông lỗ nặng. Nợ nần tứ giăng, gia đình khuyên ông bỏ mía về quê làm thuê nhưng ông kiên quyết ở lại. Không chịu đầu hàng khó khăn, ông Huy tìm hiểu và phát hiện ra nguyên nhân khiến mía chết là do đất cát, nắng nóng, chăm sóc không đúng kỹ thuật… Sau đó, ông lấy từng mẫu đất đem gửi phân tích và nhờ các chuyên gia tư vấn cách trồng phù hợp. “Nếu như trước đây, tôi thường xuống giống mía vào tháng 2, ngay lúc trời nắng gắt, thì nay điều chỉnh thời vụ xuống giống từ tháng 9 đến tháng 10 khi còn mưa, lúc này thời tiết mát dịu, cộng với quy trình chăm sóc hợp lý nên cây mía từng bước thích nghi với vùng đất hoang Tân Uyên”, ông Huy nói. Từ đó, năng suất mía tăng dần từ 25 tấn/ha lên 30 – 40 tấn/ha rồi đạt đến 70 tấn/ha.

Khi kinh tế gia đình dần ổn định, ông Huy tiếp tục đến xã Đôn Thuận (H.Trảng Bàng, Tây Ninh) thuê hàng chục héc ta đất trồng mía. Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đây, lần này ông Huy làm đất kỹ lưỡng, tăng cường bón phân hữu cơ và ngay từ vụ đầu tiên năng suất mía đã đạt 70 tấn/ha. Các nhà máy đường ở Bình Dương, Long An tìm đến tận ruộng thu mua và hỗ trợ thêm kỹ thuật sản xuất. Có được số vốn kha khá, ông Huy sang Bình Dương thuê đất trồng mía, cao su rồi về quê, đến xã Mỹ Bình (H.Đức Huệ) khai hoang 240 ha đất bưng để trồng mía.

Sản xuất đa canh

Để tránh tình trạng “được mùa – dội chợ – rớt giá” mà nhà nông thường gặp, ở trang trại thuộc xã Mỹ Bình, ông Huy trồng thêm nhiều loại cây ăn trái khác. Hiện ông có 15 ha măng cụt cho trái, 5 ha thanh long và trại bò trên 4.000 con. Ông đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động trong và ngoài tỉnh. Không chỉ vậy, ông còn xây dựng 20 căn nhà để công nhân, người lao động có chỗ ở. Chị Đặng Thị Diễn (quê Bình Định) cho biết: “Chú Huy không chỉ giúp người lao động có việc làm mà còn lo ăn uống, chỗ ở ổn định. Lương bình quân của người lao động ở đây không dưới 5 triệu đồng/tháng”.

Sau thành công từ nông sản, ông Huy bắt đầu chuyển sang lĩnh vực thủy sản. Năm 2000, ông xuống Sóc Trăng mua 14 ha đất đào ao nuôi tôm sú. Vụ đầu do chưa nắm vững kỹ thuật, cách chăm sóc nên tôm chết hàng loạt, ông lỗ gần 1 tỉ đồng. Không nản chí, ông lặn lội xuống Bạc Liêu, Cà Mau kiếm chuyên gia để học hỏi kinh nghiệm; tìm tới Trường ĐH Cần Thơ nhờ các thầy ở khoa Thủy sản giúp sức. Nhờ đó, tỷ lệ tôm chết giảm dần và từ vụ thứ 3 trở đi bắt đầu có lời. Chỉ vài năm trúng mùa, ông đã có trong tay gần 100 ha đất nuôi tôm công nghiệp. Số tiền thu được từ các mô hình đa canh, ông tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Đến nay, ông sở hữu khoảng 400 ha đất, thu lời khoảng 7 tỉ đồng/năm.

Ông Phạm Minh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân VN tỉnh Long An, cho biết ngoài tạo việc làm cho người lao động, ông Huy còn thực hiện tốt các công tác xã hội. Hằng năm, ông hỗ trợ hàng trăm suất quà tết cho người nghèo, tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học… Với những thành tích đó, ông được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp nhiều năm liền.

Theo Thanh Niên