Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, có hiệu lực từ 25/8/2022.
Theo đó, Nghị định mới bổ sung thêm nhiều quy định mới liên quan đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường. Một trong số đó là quy định xử phạt liên quan đến hành vi không phân loại rác.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 45/2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân theo ba loại sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Đây là quy định mới, còn quy định hiện hành không quy định xử phạt về hành vi này.
Ngoài ra, Nghị định 45/2022 cũng quy định xử phạt về nhiều hành vi khác như:
– Phạt tiền từ 100.000 – 150.000 đồng nếu vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
– Phạt tiền từ 150.000 – 250.000 đồng nếu vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
– Phạt tiền từ 500.000 – 01 triệu đồng nếu vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
– Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng nếu vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố.
Đặc biệt đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng (ví dụ như rơm, rạ…) cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính sẽ bị phạt tiền từ 2,5-3 triệu đồng.
Nghị định 45/2022 cũng quy định cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường bị xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi không có biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý cho mỗi lần chuyển giao theo quy định.
– Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với hành vi không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; thiết bị, dụng cụ lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: Giấy phép môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; giấy phép tiếp cận nguồn gen; giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; quyết định công nhận phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh vật biến đổi gen; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính…
Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25/8 tới, quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 2 năm.
Tuấn Anh