Từ ngày mai 15/6, nếu doanh nghiệp kinh doanh vàng không xuất hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế thì sẽ bị rút giấy phép.
Trước đó, tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, tài khóa hồi tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ ngành thực hiện các giải pháp thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu đến ngày 15/6/2024, doanh nghiệp không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế sẽ bị rút giấy phép.
Hiện nay trên cả nước có trên 12.500 doanh nghiệp có hoạt động mua bán chế tác vàng bạc và trên 5.000 hộ, cá nhân gia công vàng. 100% các doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn điện tử, với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 1,34 triệu hóa đơn. Từ ngày 15/6, việc thanh, kiểm tra tình hình sử dụng hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ còn tiếp tục, với doanh nghiệp vi phạm sẽ tiến hành rút giấy phép.
Liên quan đến hoá đơn điện tử, mới đây, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) nhấn mạnh cần phải gắt gao, kiểm soát được thị trường vàng trong nước: “Thời gian tới, chúng ta nên tiếp tục hỗ trợ cho cung cầu vàng, làm sao đảm bảo được những người mà có nhu cầu mua vàng được mua vàng. Nhưng chúng ta phải quản lý thị trường này bằng cách việc giao dịch vàng là phải hóa đơn, chứng từ, phải tăng cường kiểm soát chống buôn lậu, chống đầu cơ lũng đoạn vàng”.
Người tiêu dùng khi có hóa đơn điện tử sẽ được đảm bảo tối đa quyền lợi của mình. Khi người dân bán lại vàng có hóa đơn điện tử sẽ giúp chứng minh nguồn gốc của sản phẩm, tránh bị “ép” tuổi vàng và bảo vệ quyền lợi người mua, đồng thời yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm vàng khi mua hàng.
Theo các chuyên gia, thời gian vừa qua, việc quyết liệt triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu đã kiểm soát được doanh thu của từng cây xăng, Nhà nước thu được thuế và hạn chế được buôn lậu xăng dầu. Vì vậy, không chỉ kinh doanh vàng bạc mà sắp tới cần đẩy mạnh kiểm soát việc xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với nhiều ngành nghề khác để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh quy định về hoá đơn điện tử, một số cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn TP.HCM bày tỏ lo lắng, trước đây việc mua bán vàng chưa từng xuất hóa đơn nên bây giờ phải có thời gian chuẩn bị và đến thời điểm này chưa xong nên không dám trưng bày ra bán vì sợ sẽ bị phạt. Tuy nhiên, điều mà không ít cửa hàng kinh doanh lo lắng hiện nay là một số vàng mua từ nhiều năm trước như: Nhẫn, nữ trang của khách hàng cũ, hoặc khách lạ đều không có hóa đơn, chứng từ thì bây giờ khó chứng minh nguồn gốc để xuất hóa đơn.
Theo chia sẻ của chị P. chủ một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh: “Khi mình mua vàng nhiều, ra Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua thì có hóa đơn, mình về bán lại có hóa đơn. Còn vàng mình mua của khách nhiều nguồn vàng cũ và nấu lại thành 1 cục bán cho mấy công ty lớn sắp tới nếu họ có hỏi hóa đơn và nguồn gốc vì khách trôi nổi thì mình cũng không chứng minh được. Vì có khi khách đi đường kẹt tiền vào bán thì đâu có nguồn gốc”.
Hiện giá vàng miếng SJC do 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank công bố sáng nay 14/6 tiếp tục giữ nguyên mức cũ 76,98 triệu đồng/lượng. Đây là phiên thứ 6 liên tiếp giá vàng miếng SJC được các ngân hàng bán ra giữ nguyên ở mức 76,98 triệu đồng/lượng.
Tú Anh