Từ hôm nay (1/7), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 chính thức có hiệu lực, mở ra bức tranh mới trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 được ban hành ngày 20/6/2023 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày hôm nay (1/7), thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010.
Bộ Công Thương cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là văn bản luật quan trọng trong hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Với 7 Chương, 80 Điều, Luật năm 2023 đã quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ đối với người tiêu dùng, đồng thời, hoàn thiện hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Một số điểm mới nổi bật của Luật như:
Thứ nhất, bổ sung thêm đối tượng áp dụng, cụ thể: bổ sung nhóm chủ thể là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị – xã hội; làm rõ tổ chức xã hội bao gồm: Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Luật cũng quy định về một số chủ thể mới, gồm: Người có ảnh hưởng; người tiêu dùng dễ bị tổn thương; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; và tổ chức bán hàng đa cấp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp.
Thứ hai, bổ sung một số quyền của người tiêu dùng như: Quyền được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh. Cùng với đó, Luật bổ sung một số nghĩa vụ như: Tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, Luật bổ sung khái niệm về tiêu dùng bền vững, quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Thứ tư, bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm: Người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em; người dân tộc thiểu số; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người bị bệnh hiểm nghèo và thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bổ sung một số hành vi bị cấm, trong đó, bao gồm hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.
Thứ sáu, bổ sung quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng; quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; làm rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa; bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.
Thứ bẩy, bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch đặc thù, đặc biệt là giao dịch thương mại điện tử, cụ thể: Quy định rõ các thông tin cần cung cấp trong giao dịch từ xa; trách nhiệm bổ sung của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian và tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn.
Đồng thời, Luật cũng quy định trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam và thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam trong cung cấp dịch vụ liên tục. Và bổ sung bán hàng đa cấp, bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, đồng thời, quy định thêm trách nhiệm đặc thù của các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện giao dịch trên với người tiêu dùng.
Thứ tám, Luật mở rộng phạm vi các tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bổ sung sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ chín, bổ sung quy định về quyền của người tiêu dùng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng hoặc quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm; và hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn áp dụng để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhằm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu quả và đưa luật vào đời sống, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ các hoạt động để đảm bảo mọi người dân đều hiểu và tuân thủ các quy định của luật. Cụ thể, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền 3 dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật: Một là, nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngày 16/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2024/NĐCP Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hai là, nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐCP ngày 31/1/2022). Ba là, quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Hiện, đã trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5/2024.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thực hiện đa dạng các nhiệm vụ, hoạt động để triển khai thi hành luật như: Tổ chức các hội nghị quán triệt, tập huấn chuyên sâu về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, bằng đa dạng hình thức cho luật; xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng, biên soạn tài liệu phổ biến, tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu các nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời tiến hành tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về luật tại khắp 3 miền: Bắc, Trung.
Song song đó, Bộ Công Thương cũng thúc đẩy các địa phương, cơ quan có liên quan ban hành và thực hiện quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường công tác thực thi luật; kiểm tra, theo dõi, đốc đốc các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực thi luật; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao năng lực thực thi và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;…