Chuyển tới nội dung

Tự hào đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam!

Đội tuyển nữ Việt Nam một lần nữa đi vào lịch sử với thành tích vô địch SEA Games 4 lần liên tiếp. Không có từ ngữ nào diễn tả hết được những cảm xúc của người hâm mộ nhưng có thể nói chúng ta tự hào về đoàn quân HLV Mai Đức Chung.

Đội tuyển nữ Việt Nam bắt đầu SEA Games 32 với nỗi lo tưởng như không thể có được sự phục vụ của Huỳnh Như. Đó là bài toán mà HLV Mai Đức Chung mất hơn tháng vẫn chưa thể giải khi liên tiếp các phương án như việc Thanh Nhã, Vũ Thị Hoa lên đá hộ công trong sơ đồ chiến thuật 4-4-2.  Tiếp đó, HLV Mai Đức Chung liên tiếp thử nghiệm Thuỳ Trang, Tuyết Dung dạt vào trong đá tiền vệ tổ chức. Các vị trí tiền vệ trung tâm, hậu vệ, tiền vệ cánh tưởng như sẽ có thay đổi mạnh mẽ khi hàng loạt cầu thủ gặp chấn thương. Tuy nhiên, sau đó sự trở lại đúng lúc của Huỳnh Như tại vòng loại Olympic 2024 và SEA Games 32 biến mọi bất ổn đó trở thành động lực chiến thắng.  Có thể nói, ngay tại SEA Games 32, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn canh cánh nỗi lo chấn thương. Thu Thương, Trần Thị Thu, Dương Thị Vân, Kim Thanh, Thuý Nga… không có được thể trạng tốt nhất. Họ vẫn đứng dậy, quấn băng kín đầu gối để thi đấu với tất cả khả năng mình có.  Sự quả cảm ấy cùng chiến thuật hợp lý của HLV Mai Đức Chung mang đến cho đội tuyển nữ Việt Nam một bộ mặt lỳ lợm, khó bị xuyên phá, đánh bại. Hệ thống 5-4-1 đem đến an toàn cần thiết nơi tuyến tiền vệ và hậu vệ. Bức tường hai lớp được xây bằng những pha bóng quả cảm của Dương Thị Vân, Thái Thị Thảo, Diễm My, Trần Thị Thu…

Hơn hết, chiến thuật và các bài đánh phản công HLV Mai Đức Chung áp dụng vẫn “chưa thể lỗi thời”. Những nhịp chạm, bật 1-2 đơn giản đưa bóng ra cánh hoặc lên trên cho tiền vệ trước khi tung ra đường bóng để Huỳnh Như băng lên kết thúc đối thủ một cách lạnh lùng.

Tinh thần chiến đấu quả cảm của các cầu thủ tuyển nữ Việt Nam rất đáng nể phục.

Bên cạnh đó, Thanh Nhã, Vạn Sự, Hải Linh cho thấy các cô gái nhỏ bé ngày xưa đã trưởng thành và đóng vai trò lớn hơn tại đội tuyển nữ Việt Nam. Những năm 2017-2018, Thanh Nhã còn khóc nức nở sau khi không thể ghi bàn trước gôn trống nhưng hiện tại, cô gái người Thường Tín đã biết cách để đem về điểm số quyết định. Trần Thị Hải Linh là cái tên ít được chú ý nhất trong đội hình tuyển nữ Việt Nam. Ít ai biết rằng, ở lứa cầu thủ sinh năm 2001-2003, cô gái người Gia Lâm được coi là tiền vệ trụ hàng đầu. Quãng thời gian khó khăn, chững lại gần 2 năm đã được cô vượt qua, suất đá chính trong trận chung kết lịch sử là phần thưởng hoàn toàn xứng đáng. Với Kim Thanh, trước chuyến tập huấn Nhật Bản, cô gái người Long An gặp phải chấn thương tương đối nặng ở gối trái. Sau cùng, nỗ lực bản thân cùng ý chí sắt đá vẫn đưa thủ thành sinh năm 1993 bắt chính trong những trận cầu đinh gặp Myanmar (2 lần), Philippines. Nhìn bước chân ra vào có phần gượng gạo ấy ít người biết và hiểu được.

Khi mọi thứ đã ổn, đội tuyển nữ Việt Nam đã giành chiến thắng đầy bản lĩnh 2-0 trước Myanmar trong trận chung kết để đi vào lịch sử. Chúng ta chính thức vượt qua Thái Lan để trở thành đội bóng đầu tiên và duy nhất giành huy chương vàng SEA Games 4 lần liên tiếp. Đằng sau thành công ấy là máu, nước mắt và cả mồ hôi của biết bao cô gái bóng đá nữ Việt Nam. Hơn ai hết, lúc này, tất cả khán giả hâm mộ Việt Nam nể phục và dành cho họ sự ngưỡng mộ, tự hào. “Những nữ chiến binh sao vàng” lại một lần nữa biến sân khách trở thành sàn diễn của riêng họ.

Bóng đá nữ Việt Nam giống như một bông hoa mẫu đơn, không hương thơm ngào ngạt, không cần ồn ào, lặng lẽ khoe sắc nhưng vẫn được xem là loài hoa tuyệt mỹ. “Các cô gái kim cương” chẳng cần son phấn, sắc phục lòe loẹt để trở nên nổi bật trên đất Campuchia. Cảm ơn những nỗ lực, giọt nước mắt của họ. Bóng đá Việt Nam, người hâm mộ cảm ơn và tự hào về họ. Tự hào đội tuyển nữ Việt Nam!

Nhật Ánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved