Trên thực tế, tỉ lệ nhân viên niềm đam mê công việc trong các tổ chức là khá thấp, chẳng hạn như trong cuộc khảo sát của John Hagel và John Seely Brown tại 75 công ty của Mỹ gần đây cho thấy, chỉ có 13% thể hiện niềm đam mê trong môi trường làm việc của họ, giúp họ thực sự cải thiện trong nghề nghiệp. Chính vì vậy, việc tạo ra một môi trường làm việc sao cho có thể giúp cho nhân viên có niềm đam mê với công việc là một thách thức lớn đối với các nhà quản trị.

Dựa trên các nghiên cứu thực tế tại nhiều doanh nghiệp khác nhau, các chuyên gia đã gợi ý hai nguyên tắc thiết kế môi trường làm việc nhằm giúp cho các nhà quản trị gia tăng tỉ lệ nhân viên có niềm đam mê với công việc.

Mạnh dạn thử nghiệm

Nguyên tắc đầu tiên là xây dựng các hệ thống thử nghiệm giúp nhân viên khám phá và học hỏi sâu về các lĩnh vực cụ thể của họ. Điều này có thể thực hiện thông qua việc kết hợp các quy trình, công cụ và cách quản lý theo hướng tạo điều kiện cho nhân viên mạnh dạn thử nghiệm các giải pháp mới trong công việc để nâng cao hiệu suất và hiệu quả công việc, khuyến khích các nhóm chia sẻ nguồn lực, các công cụ tạo mẫu cũng như có cơ chế phản hồi để đánh giá các thành quả thử nghiệm.

Điểm cốt lõi của nguyên tắc này chính là khuyến khích nhân viên có những suy nghĩ sáng tạo, có hướng tiếp cận mới để giải quyết các vấn đề trong công việc và mạnh dạn thử nghiệm chúng. Một trong những điều dễ dàng giết chết niềm đam mê của nhân viên đó là phải làm việc trong những khuôn khổ hạn hẹp và không có cơ hội để thử nghiệm những giải pháp mới giúp cải thiện hiệu suất và kết quả làm việc. Để vượt qua được những điều này, nhà quản trị cần có những quan điểm tích cực hơn về việc cho phép nhân viên được thử nghiệm và được phép “thất bại” ở trong một mức độ có thể chấp nhận được. Đây chính là tiền đề thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong tổ chức khi nhân viên có đam mê và được thử nghiệm các ý tưởng của mình.

Chẳng hạn, Google đã đề ra Quy tắc 80/20 cho phép Googler dành 80% thời gian hoàn thành nhiệm vụ và 20% thời gian còn lại dành cho các dự án cá nhân mà họ tin tưởng sẽ giúp ích cho công ty. Công ty hỗ trợ mọi nguồn lực để giúp cho các nhân viên của mình có thể thử nghiệm và báo cáo về các kết quả của các dự án cá nhân của họ. Chính nhờ chính sách này, Google đã thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong tổ chức và gặt hái được nhiều thành công từ thành quả này.

Công ty Motley Fool đã tuyển dụng một Giám đốc cộng tác có nhiệm vụ khuyến khích sự cộng tác tích cực trong tổ chức. Ảnh: Erin Scott.

Kết nối các nhân viên

Nguyên tắc thứ hai là tạo ra kết nối giữa những nhân viên. Các nhân viên có niềm đam mê với công việc luôn sẵn sàng tìm kiếm những người khác có thể giúp họ đạt được mục tiêu của mình. Chính vì vậy, nhà quản trị cần tạo một môi trường làm việc mở, tạo điều kiện cho các nhân viên ở các phòng, ban khác nhau có thể tự kết nối với nhau để cùng giải quyết một vấn đề nào đó trong tổ chức. Điều này giúp mọi người giải quyết vấn đề hiệu quả hơn và hộ trợ hợp tác trong công việc.

Chẳng hạn, để khuyến khích kết nối nhân sự, Công ty Motley Fool đã tuyển dụng một Giám đốc cộng tác có nhiệm vụ khuyến khích sự cộng tác tích cực trong tổ chức. Bên cạnh đó, công ty đã phát triển một mạng xã hội nội bộ riêng để giúp nhân viên tìm thấy những người khác có lĩnh vực chuyên môn cụ thể để giúp họ giải quyết các vấn đề có liên quan đến công việc.

Mạng xã hội này thậm chí còn có tính năng đề xuất giúp các nhân viên kết nối với những người có cũng đam mê, kỹ năng, kinh nghiệm hoặc sở thích trong cùng tổ chức.

Việc tạo ra một đội ngũ nhân viên có niềm đam mê với công việc là một thử thách lớn đối với đội ngũ lãnh đạo của các tổ chức, vì nó đòi hỏi sự đầu tư lớn về nguồn lực và thời gian. Chính vì vậy, tuỳ theo mô hình và nguồn lực của từng doanh nghiệp, các nhà quản trị sẽ linh hoạt áp dụng và triển khai các nguyên tắc trên cho phù hợp để không ngừng cải thiện môi trường làm việc, nâng cao hiệu suất làm việc và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.