Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL là mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, Ban quản lý sẽ là đơn vị quản lý hoạt động của Trung tâm.
Theo dự thảo Đề án Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ, mục tiêu đến năm 2025 hình thành trung tâm với mục tiêu hình thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”.
Thu hút đầu tư cho chế biến sâu các sản phẩm thuỷ sản, trái cây và lúa…Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản tiên tiến công nghệ số…Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản, phát triển chuỗi kho lạnh, đầu tư hệ thống vận chuyển, hậu cần nhanh chóng và thuận tiện.
Hoàn thành các hạng mục cơ bản phục vụ xuất khẩu nông sản vùng ĐBSCL qua các cửa khẩu Cần Thơ. Xây dựng được mô hình tiêu thụ nông sản tiên tiến dựa trên ứng dụng công nghệ số cho một số nông thuỷ sản phổ biến nhất của vùng. Hình thành những phân khu hạt nhân của Trung tâm.
Mục tiêu tới năm 2030, Trung tâm trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL, thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL với vai trò cùng với các trung tâm đầu mối khác của vùng, dẫn dắt, thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động kinh tế nông nghiệp toàn vùng.
Tầm nhìn đến năm 2050 trở thành hạt nhân của đô thị sân bay với công nghệ thông minh – đầu mối của chuỗi các “Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông minh” toàn vùng. Trong chuỗi liên kết này, các quy trình sản xuất được thực hiện theo nguyên lý tự động thông minh ở trình độ cao.
Quy mô của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL dự kiến theo tầm nhìn đến năm 2050 có diện tích 3.300 ha. Trong đó, giai đoạn 1 khoảng 450 ha đến năm 2026 tập trung các hoạt động liên kết, sản xuất, chế biến tinh, hệ thống logistics kho bãi, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, khu vực cung ứng dịch vụ logistics, xuất khẩu 100ha. Khu phi thuế quan diện tích 100ha. Khu vực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ 35ha. Khu vực sản xuất chế biến 215ha với các phân khu sản xuất chế biến nông sản, phân khu sản xuất chế biến thuỷ sản, phân khu sản xuất chế biến các sản phẩm khác.
Nguồn vốn đầu tư huy động 100% vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước bao gồm vốn đầu tư hạ tầng và vốn đầu tư công trình sản xuất kinh doanh.
Các giai đoạn tiếp theo của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL khoảng 2.850 ha. Việc phân kỳ các giai đoạn tiếp theo phụ thuộc vào kết quả tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 45/2020/QH15.
Trong khi nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan tâm và mong mỏi triển khai đề án thì cũng có nhiều ý kiến lại băn khoăn về tính khả thi, mô hình hoạt động của Trung tâm cũng như chính “sức hút” của Trung tâm với các doanh nghiệp.
TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT nhấn mạnh, cần làm rõ tính cấp thiết của Đề án là hỗ trợ kết nối, cung cấp dịch vụ logistics, gắn kết…cho cả vùng ĐBSCL chứ không chỉ cho Cần Thơ.
Phần Nhiệm vụ của Trung tâm cũng cần bổ sung nhiệm vụ cụ thể mà Trung tâm đối với vùng ĐBSCL, đối với TP. Cần Thơ, đối với doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, với người sản xuất,…
Ngoài các nhiệm vụ được đưa ra, ông Trần Công Thắng cũng lưu ý cần bổ sung một số nhiệm vụ như thu hút doanh nghiệp chế biến tập trung tại Cần Thơ, tăng tỷ lệ nông sản chế biến toàn vùng, tăng tỷ lệ ứng dụng KHCN trong sản xuất nông sản đáp ứng nhu cầu quốc tế, giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng sử dụng phế phụ phẩm, tăng giám sát chất lượng và VSATTP, giảm thủ tục và đẩy nhanh thời gian thông quan hàng xuất khẩu,..
Trong khi dự thảo đề án nêu Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL là mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, Ban quản lý sẽ là đơn vị quản lý hoạt động của Trung tâm. TS Trần Công Thắng băn khoăn về mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức của Trung tâm thế nào? Có phải mô hình khu công nghiệp?
Cùng với đó, cụ thể các phân khu hoạt động ra sao? theo mô hình nào? Có cần khu phi thuế quan không vì hiện nay theo các cam kết FTAs, sẽ cắt giảm khá nhiều.
Đồng quan điểm, đại diện Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cũng bày tỏ băn khoăn về mô hình của Trung tâm.
“Mô hình hoạt động phải đưa ra những đặc thù và cơ chế hoạt động khác biệt như thế nào với khu công nghiệp, chợ đầu mối”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu bày tỏ. Đồng thời đặt vấn đề có cần hay không khu phi thuế quan khi mà các Hiệp định thương mại tự do đang đưa thuế các mặt hàng về 0%.
Cũng theo TS Trần Công Thắng, Trung tâm cần tập trung vào 5 chức năng chính là Kinh doanh, xuất nhập khẩu nông sản; Liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL; Cung cấp dịch vụ hành chính công liên quan đến hỗ trợ sản xuất, thương mại nông sản: Hải quan, kiếm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát, truy suất nguồn gốc hàng hóa nông sản, kiểm dịch động thực vật
Cung cấp dịch vụ logistics phục vụ sản xuất chế biến thương mại nông sản vùng ĐBSCL: Trung tâm cung cấp các dịch vụ về bảo quản, kho bãi, giao nhận, vận chuyển hàng hóa nông sản và các trang thiết bị, vật tư phục vụ chế biến, kinh doanh nông sản; Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại nông sản: Bảo hiểm, ngân hàng, bưu điện, xúc tiến thương mại, tổ chức triển lãm, diễn đàn quảng bá, Tiến tới thực hiện các hoạt động đấu giá, phát triển thương mại điện tử.
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT cho rằng cần được bổ sung các giải pháp để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng, giải pháp tháo gỡ các hạn chế của hệ thống giao thông đường thủy, bộ kết nối từ vùng nguyên liệu lên Trung tâm.
Thy Hằng