Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị sắp có chuyến công du tới châu Âu trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu chuyến công du tới Pháp, Italy, Hungary và Nga, đồng thời tham dự Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59 từ 14/2 đến 22/2/2023.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyến thăm Moscow của ông Vương sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc và Nga tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược và trao đổi quan điểm về các vấn đề nóng quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nói rõ liệu ông Vương có gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không.
“Trung Quốc sẵn sàng coi chuyến thăm này là cơ hội tăng cường hợp tác với Nga theo hướng mà nguyên thủ quốc gia hai nước đã xác định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên và đóng vai trò tích cực đối với hòa bình của thế giới”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói.
Bên cạnh đó, chuyến thăm của ông Vương cũng có thể báo trước chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow vào cuối năm nay. Tổng thống Putin đã gửi lời mời tới Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm cuối năm ngoái giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa xác nhận bất kỳ kế hoạch nào.
Giới quan sát nhận định, chuyến công du châu Âu là chuyến đi đầu tiên của ông Vương trên cương vị mới, và đây có thể là phép thử về khả năng của nhà ngoại giao này trong việc cân bằng mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow, đồng thời cố gắng củng cố hình ảnh và quan hệ của Trung Quốc ở châu Âu.
Trong thời gian qua, các quan điểm khác nhau về quan hệ với Trung Quốc và sự thiếu thống nhất giữa các quốc gia thành viên, các tổ chức EU và các bên liên quan khác ở châu Âu đã ngăn cản việc tạo ra một chiến lược nhất quán. Một số muốn tập trung vào quan hệ kinh tế trong khi những người khác muốn ưu tiên các vấn đề chính trị, an ninh hoặc nhân quyền.
Đặc biệt, mối quan hệ của Trung Quốc với châu Âu đã trở nên căng thẳng đáng kể sau cuộc chiến Ukraine. Bắc Kinh đã từ chối lên án cuộc chiến; đồng thời tiếp tục hợp tác với quân đội Nga trong các cuộc tập trận quy mô lớn, cũng như thúc đẩy thương mại và mua năng lượng từ Moscow.
Có thể thấy, trong thời gian qua, Bắc Kinh đã tìm cách duy trì sự cân bằng giữa Nga và châu Âu, dù con đường này đang ngày một trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên khi cuộc chiến Ukraine xảy ra, Bắc Kinh đã nhận được bài học trong việc xây dựng một chính sách ngoại giao mạnh mẽ với các nước, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ đang gia tăng.
Ông Evan A. Feigenbaum, Phó Chủ tịch Nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định, trên thực tế, Trung Quốc vẫn dễ bị tổn thương trước các biện pháp trừng phạt kinh tế rộng rãi, có phối hợp từ các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới. Hậu quả cho một cuộc tấn công kinh tế như vậy chắc chắn sẽ khá cao, nhưng vấn đề đáng lo ngại rằng Bắc Kinh không thể biết chính xác mức độ đó sẽ cao đến như thế nào?
Ông Feigenbaum cho biết, đối với Bắc Kinh, bài học từ xung đột giữa Nga và phương Tây không phải là về kinh tế mà là về ngoại giao và các mối quan hệ khác. Khi mở cửa lại nền kinh tế sau ba năm phong tỏa, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng lại các mối quan hệ, tiếp đón các nhà lãnh đạo nước ngoài từ châu Á và châu Âu, và để các quan chức cấp cao tiến hành hàng loạt chuyến công du đến các khu vực trên thế giới, trong đó có châu Âu.
Cẩm Anh