Hiện, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tính chung 7 tháng đầu năm, nước này đã chi 30,8 tỷ USD để nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ nước ta, trong đó riêng nhập rau quả là 2 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 7/2023 đạt hơn 4,56 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng trước đó. Lũy kế 7 tháng 2023, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt 30,8 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng năm 2023 nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,5 tỷ USD, tăng 13,6% chiếm 24,4% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 7,1 tỷ USD, chiếm 23,3% tỷ trọng xuất khẩu, giày dép 1,02 tỷ USD, tăng hơn 10%…
Những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao trong 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước: Hàng rau quả tăng 128,5%; gạo tăng 70,3%; hạt điều tăng 33,3%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 100,1%; xăng dầu tăng 48%; than các loại tăng 159,3%.
Một số nhóm hàng giảm, gồm: Máy móc, thiết bị phụ tùng giảm 5,7%, máy ảnh, máy quay phim giảm 17%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 25%, hàng thủy sản giảm 19,3%, hàng dệt may giảm 7,17%….
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước ta. Vì vậy, việc nước Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại từ đầu năm 2023 mang đến kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp, ngành hàng, nhất là rau quả, thủy sản, xơ sợi, xi măng, cao su, thép, dệt may, gạo…
Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta, về xuất khẩu ,Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2, chỉ sau Mỹ, ở chiều ngược lại, Việt Nam luôn là nước nhập siêu của Trung Quốc.
Năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 15,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 117,9 tỷ USD, tăng 6,6%, chiếm tỷ trọng 32,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Nhập siêu từ Trung Quốc 60,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2021.
Nhận định về xuất khẩu những tháng còn lại cuả năm 2023, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) cho rằng, hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục ổn định, hiệu suất thông quan nâng cao, cùng với nhu cầu tiêu dùng của thị trường này tiếp tục gia tăng trong mùa cuối năm, những yếu tố này sẽ có tác động tích cực trong hoạt động xuất khẩu.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất nhập khẩu. Đơn cử, theo quy định tại Thông tư 36/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ 21/7, doanh nghiệp xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) phải nộp lệ phí. Tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này gồm: Bộ Công Thương và cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương uỷ quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định tại Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương.
Tuy nhiên, thay vì phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nộp phí, doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán phí/lệ phí C/O bằng hình thức trực tuyến. Hình thức này nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và các chi phí phát sinh khác. Sau khi thực hiện nộp phí/lệ phí C/O, doanh nghiệp sẽ nhận được biên lai qua email đã đăng ký với cơ quan quản lý.
Cạnh đó, Bộ Công Thương đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua đàm phán, ký kết các FTA mà FTA mới nhất là FTA với Israel. Đây là động thái được các doanh nghiệp, Hiệp hội, chuyên gia đánh giá rất cao vì sẽ giúp mở thêm cơ hội cho hàng Việt Nam ra thị trường thế giới.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9/2023.
Tuấn Minh