Dữ liệu khảo sát mới cho thấy hoạt động sản xuất tháng 3/2024 của Trung Quốc đã tăng trưởng lần đầu tiên sau sáu tháng.
Chuyển biến tích cực
Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của nền kinh tế số 2 thế giới đã tăng lên 50,8 điểm từ mức 49,1 điểm trong tháng 2/2024. Lần đầu tiên sau nửa năm, chỉ số này mới thoát khỏi sự thu hẹp, thậm chí nó còn vượt dự báo của Reuters là 49,9 điểm. Mặc dù tốc độ tăng trưởng còn khiêm tốn nhưng đây cũng là chỉ số PMI cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.
Chu Maohua, nhà phân tích của Ngân hàng Everbright Trung Quốc, cho biết: “Từ các chỉ số, cung và cầu trong nước đã được cải thiện, trong khi niềm tin của chủ sở hữu nhà và doanh nghiệp đang phục hồi, trong khi mức độ sẵn sàng tiêu dùng và đầu tư đang tăng lên”.
Dữ liệu PMI cho thấy số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lên mức tích cực, lần đầu sau quá trình sụt giảm kéo dài 11 tháng.
Các chỉ số lạc quan gần đây cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần lấy lại động lực tốt hơn, khiến các nhà phân tích bắt đầu nâng cấp dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Đây cũng là tín hiệu vui cho Trung Quốc khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang lơ lửng.
China Beige Book, một công ty tư vấn, cho biết trong một báo cáo vào tuần trước: “Dữ liệu tháng 3 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã sẵn sàng cho một kết thúc mạnh mẽ trong quý 1. Việc tuyển dụng đã ghi nhận khoảng thời gian cải thiện dài nhất kể từ cuối năm 2020. Sản xuất cũng như bán lẻ đều tăng trưởng.”
Trong khi đó, Chỉ số PMI phi sản xuất, bao gồm dịch vụ và xây dựng, đã tăng lên 53 từ mức 51,4 trong tháng 2, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 9.
Citi Group gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Trung Quốc lên 5,0% từ mức 4,6%, với lý do “dữ liệu tích cực gần đây và việc đưa ra chính sách”.
Lo ngại hàng Trung Quốc tràn ra nước ngoài
Sức mua của người dân Trung Quốc vẫn chưa phục hồi khi cuộc khủng hoảng bất động sản chưa được giải quyết. Trong khi đó, dữ liệu mới nhất về việc làm của Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm, mặc dù với tốc độ chậm hơn, cũng sẽ tiếp tục tác động tới tâm lý mua sắm của người dân. Một số ý kiến cho rằng hàng hóa của Trung Quốc sẽ sớm tràn ra các quốc gia khác trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể sẽ hướng tới các thị trường ngoài biên giới để tiêu thụ sức sản xuất gia tăng của mình. Mỹ và châu Âu là một trong những đích đến của hàng hóa Trung Quốc bất chấp căng thẳng giữa hai bên.
Theo các nhà kinh tế, trong tháng 2, hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc có giá thấp hơn 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo Capital Economics ở London, kể từ cuối năm 2019 tới nay, sản lượng sản xuất của Trung Quốc, vốn đã đứng số 1 thế giới, đã tăng khoảng 25%. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp Mỹ không thay đổi và vẫn thấp hơn 7% so với mức đỉnh năm 2007.
Qua các sàn thương mại điện tử, hàng hóa Trung Quốc giờ đây đang tràn ngập thị trường toàn cầu với hàng tiêu dùng, chip máy tính hay đồ điện tử… Điều này càng khiến các cơ quan chính quyền Mỹ lo ngại về mức thặng dư giữa hai nước.
Sự lo ngại của phương Tây nằm ở những hàng hóa công nghệ cao. Sự thống trị về sản xuất toàn cầu của Trung Quốc giờ đây còn đe dọa các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và Châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện.
Theo các báo cáo, các nhà máy Trung Quốc có thể sản xuất 40 triệu ô tô mỗi năm, nhiều hơn 15 triệu chiếc so với mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo Michael Dunne, một nhà tư vấn ngành có trụ sở tại San Diego, 5 triệu ô tô mà Trung Quốc xuất khẩu vào năm ngoái gấp khoảng 5 lần tổng số ô tô năm 2020. Ông cho biết con số đó có thể tăng gấp đôi trong những năm tới.
Hiện nay, BYD của Trung Quốc bán một mẫu xe điện với giá khoảng 15.000 USD/chiếc, qua đó giúp họ vượt qua Tesla vào cuối năm ngoái để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, cho biết hồi đầu năm nay rằng các công ty Trung Quốc sẽ “đánh sập hầu hết các công ty ô tô khác trên thế giới” trừ khi họ phải đối mặt với các rào cản thương mại mới.
Các quan chức châu Âu vẫn đang tiến hành một cuộc điều tra thương mại nhằm tìm thấy “bằng chứng đầy đủ” cho thấy Trung Quốc đang trợ cấp sản xuất xe điện theo cách có thể gây hại cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu. Hay nghiệp đoàn ngành thép Mỹ vừa kiến nghị lên Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai để yêu cầu điều tra ngành đóng tàu của Trung Quốc.
Nhà kinh tế Eswar Prasad của Đại học Cornell, cựu Giám đốc IMF tại Trung Quốc cho biết, việc sản xuất dư thừa đe dọa một số ngành công nghiệp đóng vai trò then chốt của Mỹ và châu Âu. Đó có thể là điều khó chấp nhận đối với Mỹ – quốc gia đang đứng trước kỳ bầu cử lớn, hay Châu Âu đang dần nghiêng theo xu hướng cực hữu trong các chính sách thương mại.
Trường Đặng