Các đại diện tham dự Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 3 giữa Trung Quốc và 5 quốc gia Trung Á. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Khu vực Trung Á gồm các quốc gia Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan tách ra sau khi Liên Xô sụp đổ. Hơn 30 năm qua, các nước này cơ bản xây dựng chính sách gần gũi Nga. Địa chính trị không mấy thuận lợi khiến Trung Á chậm phát triển.

Sau khi Nga vướng vào cuộc chiến tranh với Ukraine và bị cấm vận ngặt nghèo, tổn thất tiềm lực, vùng Trung Á rơi vào khoảng trống quyền lực; hợp tác kinh tế, quân sự, an ninh quốc phòng với Moscow đang xuất hiện nhiều vấn đề.

Biểu tình ở Kazakhstan ban đầu có nguyên nhân từ giá khí đốt tăng, nhưng bị “thổi” thành bạo loạn diện rộng tác động từ các thế lực bên ngoài nhằm chống lại chính quyền của Tổng thống Tokayev với lý do chính quyền này… thân Nga!

Cùng quan điểm với Kazakhstan, Uzbekistan không công nhận độc lập với tư cách “quốc gia” của Luhansk và Donestk; 3/5 quốc gia trong khu vực gửi viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine.

Trong khi Nga bận rộn với chiến trường Ukraine thì trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Donald Lu công du toàn bộ Trung Á thảo luận loạt vấn đề về kinh tế, chính trị, an ninh; không tiếp tay cho Moscow lách lệnh trừng phạt. Mục tiêu là “Trung Á thịnh vượng, an ninh và dân chủ”.

Chuyến thăm của ông Lu tới khu vực diễn ra trước thềm hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á dự kiến diễn ra vào ngày 18/5 tới. Việc các quốc gia trong khu vực củng cố quan hệ với Trung Quốc cũng khiến Mỹ lo ngại.

Mỹ cần đến Trung Á để gia tăng cô lập Nga; đồng thời đây là thị trường tiêu thụ vũ khí tiềm năng do khu vực này rất “nhạy cảm”. Sự thất thế của Moscow hiện nay là cơ hội tốt để Nhà trắng tiếm quyền ảnh hưởng. Bên cạnh đó Mỹ không muốn chậm chân so với Trung Quốc.

Mặc dù coi Nga là đối tác không giới hạn nhưng Trung Quốc có những bước đi rất vững chắc tại “sân sau” của “bạn tốt”. Trung Á là điểm nút quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường, đối tác cho vay tài chính, khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Bắc Kinh nhận thấy cơ hội sau khi Nga hao tổn sức lực vì chiến sự Ukraine. Sau tháng 4/2022, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu cung cấp vũ khí, đưa vào khai thác một mỏ vàng ở Tajikistan, giành được gói thầu xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, điện mặt trời ở Kyrgyzstan; Tuyên bố nối lại công trình xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan,…

Trung Á muốn rời xa Nga

Một số thống kê quan trọng đã cho thấy ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trên khắp Âu – Á. Theo dữ liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc, vào năm 2022, thương mại của Trung Quốc với Trung Á đạt tổng cộng hơn 70 tỷ USD, tăng khoảng 40% so với năm 2021.

Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á lần đầu tiên dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 5/2023 tại Tây An, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ công bố “kế hoạch lớn” cho khu vực.

Trung Á có nhu cầu đang dạng hóa quan hệ với các cường quốc, tiến trình tách dần khỏi Moscow nhưng không hề đơn giản “rủ áo ra đi”. Vấn đề lớn nhất là liệu Nga có đồng ý với điều này hay không?

Chính vì vậy, khu vực này chưa bao giờ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như hiện nay. Cuộc “đổ bộ” của Trung Quốc và Mỹ vào lãnh địa của Nga gây ra màn cạnh tranh khốc liệt.

Trương Khắc Trà