Trung Quốc ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp không có ca nhiễm COVID-19 trong nước

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này ngày 20/3 có thêm 41 ca nhiễm mới virus corona. Toàn bộ số ca này đều là những người từ nước ngoài nhập cảnh vào đại lục. Tổng cộng, số ca COVID-19 từ bên ngoài vào Trung Quốc cho tới nay là 269.

Tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm bùng phát dịch, ngày 19/3 cũng lần đầu tiên sau gần ba tháng không phát hiện bất kỳ ca nhiễm nào, dù là nguồn lây nhiễm nội địa hay nhập cảnh.

Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đang tích cực chữa trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Trong chuyến thị sát tại Bệnh viện Đồng Tế thuộc Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc) Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đã kêu gọi huy động trang thiết bị y khoa hiện đại hơn, đồng thời kết hợp đông và tây y để cứu chữa các bệnh nhân.

Như vậy, đây là ngày thứ 3 liên tiếp Trung Quốc không có ca mắc COVID-19 nào lây nhiễm trong nước. Nhờ hành động quyết liệt, khẩn trương, tập trung nguồn lực và giám sát nghiêm ngặt, quốc gia Đông Á đã phần nào kiểm soát được sự lây lan của mầm bệnh.

Cuộc sống tại các khu vực khác ở Trung Quốc đã bắt đầu trở lại quỹ đạo bình thường, khi nhiều người quay lại làm việc, các nhà máy mở cửa và trường học chuẩn bị đón học sinh trở lại.

Cụ thể, tỉnh Hồ Bắc đưa hơn 1.600 lao động đến các khu công nghiệp tại tỉnh Quảng Đông, với nhóm đầu tiên khởi hành hôm 18/3. Toàn bộ lao động được xét nghiệm cẩn thận và thực hiện cách ly 14 ngày trước khi di chuyển.

Song song với việc tăng tốc xây dựng các dự án hạ tầng trọng yếu, chính phủ có thể sẽ triển khai các dự án mới về y tế công cộng, cung ứng vật liệu khẩn cấp, mạng 5G và các trung tâm dữ liệu vốn đã được Bắc Kinh chấp thuận.

Có thể thấy, bằng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo mọi người dân nắm rõ về virus gây bệnh. Đảm bảo có các cơ chế xử lý dịch có khả năng hoạt động nhanh nhất cùng việc đầu tư kịp thời vào hệ thống y tế đã giúp Trung Quốc đối phó với dịch COVID-19 một cách hiệu quả. Điều này cũng được các chuyên gia y tế trên toàn thế giới nhận định.

Theo số liệu mới nhất hiện có, Trung Quốc đã có khoảng 400 hệ thống máy thực hiện liệu pháp ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể) vào năm 2018, nhưng đã đầu tư đáng kể vào thiết bị hỗ trợ sự sống kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19.

Vào đầu tháng 3/2020, khoảng 65.000 thiết bị y tế, bao gồm gần 17.000 máy thở, đã được gửi đến tâm dịch Vũ Hán. Khi hơn 40.000 bác sĩ và y tá từ khắp Trung Quốc được điều động đến Hồ Bắc, họ cũng đã mang theo đồ dùng của mình, bao gồm máy thở và máy ECMO.

Đây là phương pháp hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp khi tim hoặc phổi hay cả hai không thể hoạt động bình thường. Phương pháp này giúp thay thế tim hoặc phổi hay cả hai trong thời gian ngắn.

Việc nhanh chóng đầu tư vào các trang thiết bị y tế hiện đại đã giúp các y bác sĩ có thể chữa trị cho các ca nhiễm cần được điều trị chăm sóc đặc biệt, cũng như tăng tỷ lệ sống cho những người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền phức tạp mắc COVID-19.

Trong khi đó, chỉ có 264 bệnh viện công ở Mỹ đã tiếp cận với liệu pháp ECMO vào năm ngoái. Trong khi đó, Italy và một số quốc gia châu Âu cũng ghi nhận tình trạng không có đủ các trang thiết bị cần thiết, cũng như đội ngũ bác sĩ không ở trong tình trạng sẵn sàng khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Một điểm ưu việt đáng kể nữa của Trung Quốc trong công tác chống dịch là họ miễn phí xét nghiệm và điều trị bệnh cho người dân.

Nhận định những khó khăn tài chính có thể sẽ ngăn cản mọi người tìm tới cơ sở điều trị, chính phủ Trung Quốc đã nhận trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí điều trị COVID-19, thậm chí cả những người không có bảo hiểm để cố gắng xóa bớt những rào cản có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.

Nhờ vậy, Trung Quốc đã bước đầu thành công trong việc phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc chưa hoàn toàn an toàn với các ca lây nhiễm nội bộ.

Trung Quốc cần 14 ngày liên tiếp không có thêm ca lây nhiễm trong nước nào thì mới có thể được xem là đã kiểm soát được bệnh dịch lây lan. Quốc gia này cũng cần tìm cách ứng phó nguy cơ nhập khẩu bệnh khi số ca nhiễm ở nước ngoài đang tăng nhanh.

Chính vì vậy, không chỉ Trung Quốc, cho đến khi có được vắc-xin, mọi quốc gia đều phải tìm cách kéo phẳng đường cong của dịch bệnh, duy trì hệ thống y tế ở mức độ đủ khả năng đối phó dịch bằng những biện pháp cứng rắn.