Tap-can-binh

Chủ tịch Tập Cận Bình rơi vào thế khó sau sự cố khinh khí cầu.

Vụ việc khinh khí cầu nghiêm trọng đến mức khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngay lập tức hủy chuyến thăm Bắc Kinh. Nên nhớ rằng, nếu không có sự cố này, đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ đến Bắc Kinh sau 4 năm. Một loạt các vấn đề nóng hổi trong quan hệ hai nước đang chờ được giải đáp, bao gồm các rào cản và lệnh cấm công nghệ, chính sách cứng rắn của Trung Quốc tại Hồng Kông và Tân Cương, và vấn đề Đài Loan.

Đây cũng là thời điểm ông Tập Cận Bình muốn tập trung vào dàn xếp các căng thẳng trong nước và ông cũng muốn tránh một cuộc đối đầu ăn miếng trả miếng khác với chính quyền Biden. Sau khi đột ngột từ bỏ chính sách Zero Covid, nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ với điểm nhấn là cuộc khủng hoảng bất động sản dai dẳng. Ngành công nghệ – vốn là một trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc – tiếp tục bị Mỹ siết chặt vòng vây bằng lệnh hạn chế mới, khiến khó khăn càng thêm chồng chất.

Ông Evan S. Medeiros, Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Georgetown, cựu Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Barack Obama về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, cho biết: “Trung Quốc đang ở một vị thế địa chính trị rất khó khăn. Quốc gia này bị vướng vào vụ việc trong bối cảnh muốn cải thiện quan hệ với nhiều cường quốc, đặc biệt là Mỹ.”

Phản ứng của Bắc Kinh trước vụ việc cũng cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy bối rối. Ngay sau khi quả khinh khí cầu bị trúng tên lửa và rơi xuống vùng biển ngoài khơi Nam Carolina, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố “bất bình và phản đối mạnh mẽ”, đồng thời tuyên bố đây là khinh khí cầu dân sự bị bay lệch hướng. Tuy nhiên, chẳng mấy ai tin vào lời giải thích này của Bắc Kinh.

Ông Xie Feng, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Mỹ đã bóp méo sự thật về khinh khí cầu và làm hỏng nỗ lực ổn định quan hệ giữa 2 nước. Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi vụ bắn hạ khinh khí cầu là một “phản ứng thái quá”. Nhưng việc một vật thể lạ xâm phạm vào không phận chủ quyền của nước khác rõ ràng là một động thái nguy hiểm, và Mỹ hoàn toàn có lý để làm điều đó.

Ông Oriana Skylar Mastro, một thành viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford, nhận xét: “Sẽ là một động thái chiến lược rất kém cỏi của Trung Quốc nếu quốc gia này thực sự làm lớn chuyện này. Họ càng cố làm căng thì càng làm nghiêm trọng câu chuyện.”

khi-cau-tq-16759102207417572456

Vụ khinh khí cầu hứa hẹn sẽ làm gia tăng nghi ngờ lẫn nhau giữa 2 nước xung quanh vấn đề gián điệp

Mặc dù vẫn đe dọa có hành động trả đũa, nhưng Trung Quốc cũng ám chỉ rằng họ không muốn kéo dài tranh cãi. Trung Quốc cáo buộc Mỹ vi phạm các quy tắc quốc tế khi bắn hạ khinh khí cầu, nhưng không đề cập cụ thể quy tắc nào. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nói rằng họ sẽ “bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp liên quan” đến khinh khí cầu. Điều này giống như hàm ý rằng chính phủ Trung Quốc không liên quan đến vụ việc.

Ông Julian Ku, Giáo sư luật tại Đại học Hofstra, nhận định: “Trung Quốc cần chọn lọc từ ngữ để bảo vệ quyền lợi của chính mình trong trường hợp Mỹ bắt đầu gửi khinh khí cầu hoặc máy bay không người lái vào Trung Quốc. Nếu quá cứng rắn, nó sẽ phản tác dụng nếu Trung Quốc có các lập luận pháp lý tương tự trong tương lai”.

Ông Zhu Feng, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, cho biết việc Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã gọi điện cho Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về việc hủy chuyến thăm Bắc Kinh đã cho thấy cả hai bên đều muốn tiếp tục liên lạc.

Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc khủng hoảng khinh khí cầu lắng xuống nhanh chóng, thì nó cũng cho thấy mức độ tin tưởng giữa 2 nước đã giảm xuống thấp như thế nào sau khi hai nước làm tan băng quan hệ vào những năm 1970. Vụ việc này có thể làm quan ngại vấn đề gián điệp.