Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương: sau khi đạt mức giá cao nhất trong vòng 7 năm qua, gạo Thái Lan đang có chiều hướng hạ nhiệt, gạo 5% tấm giá giảm xuống 530 – 538 USD/tấn, so với 550 – 580 USD/tấn hồi tuần trước. Nguyên nhân là tuần qua ở Bangkok và một số tỉnh trồng lúa đã có mưa, kết thúc giai đoạn khô hạn kéo dài từ tháng 11/2019, thiệt hại do hạn hán thấp hơn dự báo lúc ban đầu.

Trong khi đó quốc gia xuất khẩu gạo lớn là Ấn Độ vẫn đang trong thời kỳ các ly toàn quốc nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn chưa ký hợp đồng mới.

Lượng gạo dự trữ tại các doanh nghiệp còn khá nhiều (ảnh Trung Chánh).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất – Thương mại Phước Thành IV cho hay: sau khi tình hình dịch bệnh tại quốc gia đã tạm ổn, với sức hấp dẫn giá gạo tăng nóng, Trung Quốc đã chớp thời cơ cho mở kho xuất khẩu gạo dự trữ cũ cho các quốc gia Châu Phi. Như vậy, Thái Lan đã không còn một mình một chợ nữa nên nếu muốn đẩy giá lên nữa cũng không được.

Theo Chuyên gia nghiên cứu, phân tích thị trường nông sản Nguyễn Đình Bích cho biết: vài tuần trước chúng ta thấy Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu gạo nhưng không phải vì họ thiếu gạo mà do giá gạo nhập khẩu thấp hơn gạo trong nước, nhập khẩu ở những vùng biên giới sẽ nhanh hơn, gần hơn thay vì phải vận chuyển từ kho gạo dự trữ quốc gia để cung cấp cho người dân vùng này.

Là quốc gia đông dân số nhất thế giới việc đảm bảo an ninh lương thực của họ rất quan trọng nên kho gạo dự trữ của họ rất khổng lồ lên đến hàng trăm triệu tấn nên việc họ cho mở kho xuất khẩu khi giá cao để đến lúc giá thấp thì mua bù dự trữ cũng không có gì lạ.

Hơn nữa, sau thời gian cách ly toàn quốc vì dịch bệnh COVID-19, dự kiến ngày 3/5, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – Ấn Độ cũng sẽ nối lại xuất khẩu.

 “Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ: sản lượng gạo toàn cầu năm 2019-2020 đạt hơn 499 triệu tấn, xấp xỉ so năm trước, lượng gạo tồn kho  đạt mức kỷ lục 178 triệu tấn đủ 136 ngày tiêu dùng. Nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới khoảng 41 triệu tấn giảm so với năm trước.

Trong khi đó sản lượng lương thực nước ta được dự báo đạt trên 43 triệu tấn lúa (hơn 22 triệu tấn gạo), tăng  nửa triệu tấn nhưng trong năm tiêu dùng trong nước chỉ khoảng 10 triệu tấn. Dù năm nay có ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng nguy cơ bất ổn thị trường lương thực trong nước sẽ không xảy ra. Do đó theo tôi Chính phủ nên cho phép tăng số lượng gạo xuất khẩu trong tháng 5 để tận dụng được cơ hội bán gạo giá cao. Nếu chúng ta “chậm chân” thì khi dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát thì các quốc gia xuất khẩu gjao như Ấn Độ, Pakistan…sẽ nối lại xuất khẩu thì giá gạo sẽ giảm”, ông Bích khuyến nghị.

Đồng tình với quan điểm trên, GS TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH Nam Cần Thơ cho rằng: Sản xuất lúa của Việt Nam có thế mạnh với các giống lúa ngắn ngày, cứ khoảng 100 ngày là có một vụ lúa được thu hoạch. Việc gieo sạ các vùng tùy theo điều kiện tự nhiên cũng không đồng loạt vì vậy mà gần như trên đồng lúc nào cũng có lúa. Trước tình hình dịch bệnh như năm nay, phần đông bà con cũng đã tăng dự trữ lương thực trong gia đình, bên cạnh đó có nhiều tổ chức phát gạo miễn phí cho người nghèo như mô hình ATM gạo…

Do đó, tuy hiện nay Tổng cục dự trữ chưa mua được đủ số lượng gạo dự trữ nhưng theo tôi lượng lương thực dự trữ trong dân còn nhiều nên trong vòng một hai tháng tới vấn đề an ninh lương thực không đáng lo ngại.

Hiện nay gạo đang có giá rất tốt, theo tôi Chính phủ nên tận dụng thời cơ này tiếp tục cho xuất khẩu gạo và lùi việc mua gạo tạm trữ vào vụ lúa hè thu sắp thu hoạch vào khoảng 40 ngày tới”, GS.TS Xuân đề xuất.