Các quốc gia Trung Đông đang tìm cách tạo dựng vị thế trong lĩnh vực khai thác khoáng sản

Dầu mỏ có thể là huyết mạch của nhiều nền kinh tế Trung Đông, nhưng một số công ty lớn nhất trong khu vực hiện đang để mắt đến một lĩnh vực đang bùng nổ khác: khoáng sản quan trọng.

Các khoáng sản như lithium, coban và đất hiếm được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất các thiết bị năng lượng sạch và pin xe điện của thế giới. Khi các nguồn tài nguyên này chiếm vị trí trung tâm trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, các quốc gia giàu dầu mỏ như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đang tăng cường đầu tư vào chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh tế của họ và tăng cường sự hiện diện trong ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ này.

Ông Ahmed Mehdi, Giám đốc điều hành của Renaissance Energy và là thành viên thỉnh giảng tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, cho biết: “Đây không phải là việc thay thế từ dầu mỏ sang khoáng sản. Điều này liên quan nhiều hơn đến việc đảm bảo rằng các quốc gia Trung Đông có vị thế hơn trên bàn đàm phán trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là trong bối cảnh ngành công nghiệp này có tính chất địa chính trị quan trọng”.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã tạo ra sự chú ý mới đối với các khoáng sản này và các quốc gia có ảnh hưởng lớn đối với nguồn cung và khai thác khoáng sản. Đặc biệt, việc Trung Quốc thống trị trong khâu xử lý nhiều nguồn tài nguyên quan trọng đã làm gia tăng lo ngại về các lỗ hổng chiến lược và thúc đẩy các nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng thay thế. Và ở Trung Đông, khi các quốc gia đang tìm cách giảm sự phụ thuộc quá mức vào doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch, nhiều chính phủ đã tìm cách tham gia cuộc đua khoáng sản.

Bà Gracelin Baskaran, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Saudi Arabia và UAE đang chơi lớn trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng. Các quốc gia này đã nhận ra rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và xe điện sẽ làm giảm nhu cầu dầu toàn cầu, vì vậy nếu họ muốn tăng trưởng kinh tế thì sẽ không chỉ đơn thuần là tiếp tục mô hình chỉ sử dụng dầu”.

Riyadh đang có tham vọng lớn trong lĩnh vực khai thác mỏ. Nước này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác mỏ trong tầm nhìn 2030. Chính phủ Saudi Arabia đã dành khoảng 182 triệu USD cho chương trình khuyến khích thăm dò khoáng sản. Theo ước tính của chính phủ Saudi Arabia, nước này là nơi có trữ lượng khoáng sản chưa được khai thác trị giá khoảng 2,5 nghìn tỷ USD.

Lĩnh vực khai thác khoáng sản của Saudi Arabia đã mở rộng cả trong nước và quốc tế với những bước tiến đáng kể.

Để thực hiện tầm nhìn này, Riyadh đã tập trung vào việc đảm bảo các mối quan hệ đối tác mới, bao gồm cả việc ký các biên bản ghi nhớ tập trung vào khai thác mỏ với Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Nga, Hoa Kỳ và Maroc. Tờ Wall Street Journal đưa tin vào năm ngoái rằng, Washington và Riyadh đang đàm phán để mua cổ phần khai thác mỏ ở một số nước châu Phi. Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng đang cân nhắc đầu tư vào Brazil và đã cử một phái đoàn đến Argentina để thảo luận về nguồn tài nguyên lithium của quốc gia này.

Trong khi đó, UAE cũng đang tăng cường nỗ lực để giành được thị phần trong lĩnh vực này, bao gồm ký kết hợp tác khai thác trị giá 1,9 tỷ USD tại Cộng hòa Dân chủ Congo và đảm bảo các thỏa thuận mới ở Zambia, nơi có trữ lượng lớn nguồn tài nguyên đồng. UAE và Australia được cho là cũng đang đàm phán về một hiệp định thương mại tự do, trong đó Abu Dhabi sẽ tăng đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản quan trọng của Canberra.

UAE và Saudi Arabia đều có đủ nguồn tài chính cho tham vọng của mình. “Cả hai quốc gia này đều có vốn mạnh để triển khai trong lĩnh vực này. Vì vậy, vào thời điểm mà hầu hết các công ty phương Tây đang rút lui hoạt động khoan và thăm dò vì giá lithium, niken, coban ở mức thấp thì các quốc gia Trung Đông đang đẩy mạnh hoạt động này”, chuyên gia Baskaran chỉ ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng những thách thức về pháp lý, môi trường và đầu tư vẫn còn ở phía trước. Theo Hamid Pouran, một chuyên gia khoáng sản quan trọng tại Đại học Wolverhampton: “Việc thu hút đầu tư quốc tế đáng kể đòi hỏi các điều khoản tài chính cạnh tranh và các quy định minh bạch để khuyến khích sự tham gia của các công ty tư nhân”.

Chuyên gia này nói thêm, các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội nghiêm ngặt cũng cần phải được thực hiện để đảm bảo việc khai thác bền vững, đồng thời việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ rất quan trọng đối với các quy trình sử dụng nhiều năng lượng liên quan đến tinh chế khoáng sản và kim loại.

Tuy nhiên, các cường quốc như Saudi Arabia cũng có một lợi thế chính là khả năng làm việc với các đối tác. Ông Bryan Bille, nhà phân tích chính sách tại Benchmark Mineral Intelligence, cho biết: “Họ có nhiều không gian linh hoạt hơn những người chơi khác, vì vậy họ có thể kinh doanh với Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng một lúc”.