Uzbekistan đã ký thỏa thuận khí đốt có thời hạn hai năm với Tập đoàn Gazprom, Nga.

Mới đây, Uzbekistan ký thỏa thuận khí đốt có thời hạn hai năm với Tập đoàn Gazprom của Nga. Bộ Năng lượng Uzbekistan cho biết gã khổng lồ năng lượng của Nga sẽ cung cấp 2,8 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho nước này kể từ ngày 1/10/2023. Mùa đông năm ngoái, Uzbekistan phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng, vì vậy thỏa thuận này sẽ giúp giảm thiểu những thiếu hụt đó.

Khí đốt sẽ được cung cấp trên khắp Uzbekistan thông qua đường ống dẫn khí Trung tâm Trung Á hiện có. Gazprom cũng đang thảo luận về một thỏa thuận cung cấp khí đốt tương tự với Kazakhstan.

Thỏa thuận với Uzbekistan là một chiến thắng cho Nga khi nước này tích cực tìm kiếm thị trường mới sau khi gần như bị ngừng hoạt động kinh doanh với các nước châu Âu. Tuy nhiên, 2,8 tỷ m3 khí chỉ là “giọt nước trong đại dương” so với 155 tỷ m3 được xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh Châu Âu vào năm 2021.

Giới quan sát lo ngại, đối với Uzbekistan, thỏa thuận này có khả năng đi kèm với nguy cơ “tống tiền bằng khí đốt”. Vì Nga kiểm soát dòng khí đốt nên nước này có thể bật và tắt vòi để gây áp lực chính trị khi cần. Những kịch bản như vậy đã xảy ra ở Ukraine từ giữa những năm 2000 trở đi và gần đây là ở Moldova.

Cùng với việc tìm kiếm khách hàng mới cho khí đốt của mình, Nga cũng bị nghi ngờ sử dụng các quốc gia Trung Á làm sân sau để mua bán công nghệ lưỡng dụng có thể phục vụ cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, điều này có thể trở nên khó khăn hơn khi các biện pháp trừng phạt do Mỹ và châu Âu thực hiện đang siết chặt đối với các công ty trong khu vực này, khi một loạt các hình phạt đã được áp dụng và làm nổi bật những rủi ro của thương mại có thể xảy ra.

Vào ngày 20/7, Bộ Tài chính Mỹ đã thêm bốn công ty đã đăng ký ở Kyrgyzstan – tất cả đều được thành lập sau khi chiến sự Nga- Ukraine bắt đầu, vào danh sách trừng phạt của mình.

“Các thực thể có trụ sở tại Cộng hòa Kyrgyzstan là nhà xuất khẩu thường xuyên các linh kiện điện tử được kiểm soát và công nghệ khác sang Nga kể từ khi xảy ra chiến sự Nga – Ukraine. Sau đó, họ đã cung cấp hàng hóa nhạy cảm cho các thực thể trong lĩnh vực quốc phòng của Nga”, thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Uzbekistan, Shavkat Mirziyoyev.

Trong khi chính phủ Kyrgyzstan nhanh chóng phủ nhận bất kỳ sự tham gia nào của “các cấu trúc hoặc công ty nhà nước” trong các hoạt động xuất khẩu này, một báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc Dự án Báo cáo Tội phạm và Tham nhũng có tổ chức được công bố vào ngày 22/7 cho biết, Kyrgyzstan gần đây đã thay đổi cách báo cáo các dữ liệu thương mại. Trước đây, các mặt hàng riêng lẻ được xác định bằng mã gồm 10 chữ số, giờ đây sử dụng mã gồm bốn chữ số.

Việc tập trung vào Kyrgyzstan được tiến hành sau khi Bộ Thương mại Mỹ xác định hai công ty có trụ sở tại Uzbekistan đã được thành lập để “trốn tránh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và mua hoặc cố gắng mua các mặt hàng có nguồn gốc từ Mỹ để hỗ trợ quân đội hoặc căn cứ công nghiệp quốc phòng của Nga”.

Sau đó, hai thực thể này đã được đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ. Tương tự, Liên minh châu Âu cũng đã đưa những công ty này vào danh sách các công ty bị trừng phạt do hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga.

Trong khi đó, Kazakhstan cảnh giác với việc bị cuốn vào các biện pháp trừng phạt thứ cấp và những thiệt hại về uy tín liên quan có thể làm suy yếu nguồn đầu tư nước ngoài. Ông Serik Zhumangarin, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại và Hội nhập Kazakhstan, đã xác nhận rằng một số công ty ở Kazakhstan đã cung cấp cho Nga công nghệ lưỡng dụng bị trừng phạt.

Ông cũng đảm bảo rằng chính phủ Kazakhstan đang nỗ lực ngăn chặn việc xuất khẩu 104 loại hàng hóa sang Nga trong tương lai bằng cách tăng cường giám sát các công ty tham gia xuất khẩu như vậy.

Theo ông James Byrne, Giám đốc phân tích và tình báo nguồn mở tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng: “Việc duy trì thương mại với Nga sẽ mang lại cho các nước Trung Á nhiều lợi ích, nhưng chỉ trong một số lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các quốc gia này, vì họ rất dễ vi phạm các lệnh trừng của Mỹ và phương Tây đối Nga”.

Cẩm Anh