Động lực chính được kỳ vọng sẽ trở thành “cú hích” tạo đà cho sự tăng trưởng trong năm 2022 là gói phục hồi kinh tế.

KINH-TE-1

Động lực chính được kỳ vọng sẽ trở thành “cú hích” tạo đà cho sự tăng trưởng trong năm 2022 là gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, năm 2021 Việt Nam thu hút hơn 31 tỷ USD vốn FDI và cũng là lần đầu tiên vượt 668,5 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%.

Theo PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, với hai điểm sáng ấn tượng như vậy nên dù đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng khu vực kinh tế của Việt Nam vẫn thể hiện được tiềm năng và trở thành nơi thu hút đầu tư nước ngoài ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.

Mặc dù tình hình dịch bệnh khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào khó khăn nhưng dưới sự điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp, người dân, kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Đầu tiên phải kể đến thành tựu xuất khẩu nông sản. Ngoài xuất khẩu sang Trung Quốc, năm qua Việt Nam đã khai thác, mở rộng các thị trường khác như Nhật Bản, Australia, Mỹ, Pháp, Thái Lan…Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 48,6 tỉ USD, tăng 2,85 – 2,9%.

Trong khi đó, các lĩnh vực xuất khẩu khác như dệt may, da giày cũng tăng tốc. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách đạt hơn 17,5 tỷ USD, tăng 3,6%. Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may vượt qua khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt, ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020.

KINH-TE-3

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, những thành tựu của năm 2021 chứng tỏ Việt Nam đã đi đúng hướng và tạo đà cho năm 2022.

“Có được kết quả này là do chúng ta chuẩn bị trong thời gian dài để ký kết và triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (RCEP)…”, PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến nói.

Từ đó, PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến nhận định, năm 2022 nếu đi đúng hướng, những ngành nghề trên tiếp tục là trọng điểm, góp phần thúc đầy kinh tế Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, những thành tựu của năm 2021 chứng tỏ Việt Nam đã đi đúng hướng và tạo đà cho năm 2022.

Đồng tình với dự đoán kinh tế Việt Nam 2022 có nhiều động lực để phát triển, song các chuyên gia đều cho rằng, để nắm bắt thành công cơ hội, vai trò quyết định chính là doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động có chiến lược phát triển bền vững, dài hơi thay vì tự phát, manh mún như hiện nay.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và kinh tế số, xác định kinh tế số chiếm 20% GDP tương đương khoảng 30 tỷ USD vào năm 2025. Do đó, các doanh nghiệp phải tích cực, khẩn trương đưa công nghệ số vào từng hoạt động của mình để khai thác có hiệu quả, lợi thế của khoa học công nghệ, thông tin cũng như quá trình chuyển đổi số.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, năm 2022 Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%. Để làm được điều này thì chúng ta phải phục hồi được các doanh nghiệp, vì chỉ có doanh nghiệp mới tạo công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo ra của cải vật chất.

KINH-TE-4

Kinh tế Việt Nam 2022 có nhiều động lực để phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Vì vậy họ còn dè dặt trong việc triển khai các kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là yêu cầu cấp bách.

“Kinh tế sẽ phục hồi tốt, tăng trưởng có thể đạt 6-6,5%, thậm chí có thể cao hơn nếu chúng ta triển khai tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Chúng tôi kỳ vọng những thay đổi về chiến lược phòng chống dịch và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sẽ tạo đà phục hồi tích cực”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries đánh giá, năm 2022 khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn.

Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực lớn của nền kinh tế, chuyên gia ADB cho rằng Việt Nam cần tận dụng thật tốt và hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 FTA đã được ký kết.

Trong đó, nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) vẫn là đòn bẩy đáng kể cho thương mại hàng hóa Việt Nam với các thị trường hàng đầu thế giới.

Liên quan đến tốc độ tăng trưởng mục tiêu 6 – 6,5% năm 2022, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Jacques Morisset bày tỏ tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trên nếu đáp ứng 2 điều kiện: kiểm soát tốt đại dịch và cải thiện cán cân cung – cầu.

Theo ông Morisset, Chính phủ cần triển khai các biện pháp kích cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công đã được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, do vậy Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn.

Nguyệt Việt