Sau 25 năm gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại. Quan hệ hợp tác khu vực giữa Việt Nam với ASEAN cũng phát triển liên tục, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn an ninh, kinh tế, chính trị thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN năm 2019 đạt 57 tỷ USD, tăng gấp 10 lần sau 25 năm. Việt Nam đứng thứ 3 về xuất nhập khẩu trong ASEAN (sau Singapore và Thái Lan), ASEAN cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam ( sau Liên minh châu Âu Hoa Kỳ và Trung Quốc).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc gia nhập ASEAN đã giúp nâng tầm vị thế, đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Để tiếp tục đà phát triển tích cực đó trong bối cảnh nhiều biến động tiêu cực về kinh tế, chính trị, dịch bệnh toàn cầu trong thời gian gần đây, Việt Nam cần có những định hướng, chính sách thích nghi kịp thời hướng tới hợp tác bền vững trong khu vực cũng như toàn cầu.
Trên thực tế, Việt Nam chưa từng đạt thặng dư thương mại với các nước trong khối ASEAN. Tuy nhiên, sự thâm hụt này là hợp lý bởi Việt Nam luôn có nhu cầu rất lớn về nguyên liệu sản xuất, trong khi thị trường ASEAN rất gần Việt Nam nên chi phí vận tải thấp, đồng thời giá nguyên vật liệu xuất xứ từ ASEAN cũng khá thấp, thuế nhập khẩu mặt hàng này hầu hết cũng chỉ là 0% do ưu đãi đặc biệt trong quan hệ của các nước ASEAN. Khảo sát trong những năm gần đây cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu bình quân của Việt Nam sang thị trường ASEAN thường cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu sau mỗi năm, thâm hụt thương mại cũng đang dần được thu hẹp.
Trước năm 2010, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường ASEAN là các mặt hàng truyền thống như dầu thô và gạo. Đến nay, mặt hàng xuất khẩu sang ASEAN rất phong phú. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang ASEAN là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Một số mặt hàng công nghệ cao như thiết bị ảnh, thép mạ và tàu đã xuất hiện trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cho thấy sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu hàng xuất. Ngoài ra, một số sản phẩm xuất khẩu là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam như hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, cao su cũng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường ASEAN.
Nhìn lại lịch sử, khi mới gia nhập ASEAN trình độ phát triển kỹ thuật, kinh tế và xã hội của Việt Nam còn khoảng cách lớn với nhiều nước, là một quốc gia kém phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và bao vây cấm vận. Tuy nhiên, ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình trong các cơ chế hợp tác toàn cầu, đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế. Để tiếp tục đà phát triển và hợp tác khu vực bền vững trong thời gian tiếp theo, Việt Nam cần có những định hướng, chính sách phù hợp.
Doanh nghiệp và người dân cần được cung cấp thêm những thông tin, hiểu biết về Cộng đồng kinh tế ASEAN, bao gồm các chương trình truyền thông phổ cập. Thiết kế giải pháp sản xuất nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, nghiên cứu và dự báo thị trường, đổi mới công nghệ, bảo vệ thương hiệu, đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường vai trò hỗ trợ và liên kết của các hiệp hội ngành hàng. Cùng với đó doanh nghiệp và người dân cũng cần có sự chủ động phối hợp với Chính phủ, tận dụng sự hỗ trợ để phát triển với định hướng nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh lành mạnh của Việt Nam trong hội nhập kinh tế toàn cầu cũng như trong khối ASEAN.
Quốc Cường