Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn ưu đãi dành cho người lao động sẽ được Bộ LĐTB&XH triển khai ngay trong 6 tháng đầu năm.
Sản xuất phục hồi 85%
Theo nhận định của Bộ LĐTB&XH, hằng năm, trước Tết sẽ thiếu khoảng 10% lực lượng lao động và sau Tết sẽ thiếu khoảng 20%, nhưng năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh, sự thiếu hụt sẽ thấp hơn so với thông thường. Bởi lẽ, sau khi người lao động về quê một thời gian dài, họ đã quay trở lại nơi làm việc nên Tết sẽ ít về nhà, các doanh nghiệp, khu công nghiệp đều có phương án giữ chân người lao động như nâng lương, thưởng Tết…
Các địa phương cũng chủ động thực hiện các biện pháp phục hồi thị trường lao động. Đến nay, theo báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp FDI, dự báo lực lượng lao động sau Tết chỉ thiếu 10-15% và sẽ thấp hơn so với mọi năm.
Trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thị trường lao động phục hồi do sản xuất cũng đang trong quá trình phục hồi, có những đơn vị phục hồi 100% lao động. Tùy theo thực tiễn sản xuất mà đặt ra yêu cầu phục hồi lao động khác nhau, về cơ bản chúng ta đạt mức phục hồi bình quân chung là 85%. Với mức phục hồi 85% thì không thiếu trầm trọng lực lượng lao động, nhưng điều đáng lo ngại là thiếu lực lượng lao động chất lượng cao.
Thời gian vừa qua, do tác động của đại dịch, lực lượng lao động đã có sự chuyển dịch giữa các nhà máy, doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải vừa tiếp nhận vừa đào tạo, bồi dưỡng cho lao động mới. Những ngành nghề giản đơn có thể có lực lượng lao động ngay, nhưng những ngành đòi hỏi kỹ thuật cao thì cần thời gian để thu hút lại lao động. “Các doanh nghiệp đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm hướng nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tôi nghĩ rằng trong khoảng đầu quý II những vấn đề này cơ bản sẽ đạt được như chúng ta mong muốn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.
Tại các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, theo nhận định chung, tỉ lệ lao động tham gia sản xuất ngày đầu năm mới cao hơn cùng kỳ các năm trước. Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, đa số các doanh nghiệp trong cụm và khu công nghiệp đã hoạt động trở lại ngay từ ngày 7/2. Tại các doanh nghiệp đã hoạt động, khoảng 80% công nhân đã đến nhà máy. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần có 112 doanh nghiệp tổ chức công đoàn thông báo có làm việc trong Tết, với 12.460 lao động tham gia.
Tỉ lệ lao động trở lại ngày đầu năm tại Bình Dương khá cao so với mọi năm là do số lượng lao động ở lại không về quê dịp Tết đông. Trong dịp Tết Nguyên đán có khoảng 500.000 lao động ngoại tỉnh tại Bình Dương không về quê ăn Tết.
Còn tại miền Bắc, theo tổng hợp của Liên đoàn Lao động Hà Nội, tính đến nay, có hơn 90% số doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với hơn 96% số công nhân lao động trở lại làm việc, tập trung ở các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp và chế xuất, ngành dệt may, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.
Cũng theo các cấp công đoàn cơ sở, để thu hút người lao động quay trở lại làm việc đúng hẹn ngay từ những ngày đầu năm mới, tổ chức công đoàn đã phối hợp với người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp có chính sách tặng quà, lì xì, hỗ trợ phương tiện đón người lao động ở các tỉnh xa trở lại làm việc…
‘Tiếp sức’ cho người lao động ngay trong tháng 2
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, ngày 30/1, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra là đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người lao động.
Bộ LĐTB&XH dự kiến gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động nhằm nhanh chóng ổn định thị trường lao động sẽ khoảng 6.600 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp được thực hiện lần này là hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm và người lao động quay trở lại thị trường lao động.
Có 2 mức hỗ trợ, đối với người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm là 500.000 đồng/tháng; đối với người lao động về quê quay trở lại làm việc được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, tối đa trong 3 tháng.
Ngoài chính sách hỗ trợ tiền mặt, Chính phủ còn có chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho công nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tổng nguồn vốn cho vay với các chính sách này tối đa là 25.000 tỷ đồng.
Để tạo việc làm ổn định cho người lao động, Chính phủ cũng ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp. Chính phủ tiếp tục cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục đầu tư tăng cường kết nối cung-cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Bên cạnh đó, xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trường cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Về tiến độ triển khai gói hỗ trợ, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới, Bộ LĐTB&XH đã bắt tay xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 15/2, Bộ sẽ trình Chính phủ thông qua, về cơ bản gói hỗ trợ sẽ triển khai trong tháng 2. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.
Thu Cúc