Đặc biệt, sự ra đời của ChatGPT, nền tảng được đánh giá là thông minh nhất hiện nay, được cho là sẽ khiến nhiều ngành nghề bị thay thế. Vậy người trẻ cần hiểu và thích ứng với điều này như thế nào?

Trong khi số lượng người có được bằng cấp về học thuật và kỹ thuật đang gia tăng, thì các kỹ năng mềm như hiểu biết sâu sắc về trí tuệ, tính linh hoạt, trực giác và tính sáng tạo sẽ rất cần thiết để người lao động cạnh tranh với máy móc ngày càng thành thạo về mặt kỹ thuật và thông minh.

Các kỹ năng mềm như hiểu biết sâu sắc về trí tuệ, tính linh hoạt, trực giác và tính sáng tạo sẽ rất cần thiết

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, thực chất không phải chỉ thời điểm hiện nay người ta mới nhắc đến việc trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế một số ngành nghề, công việc nào đó.

Kể từ khi con người bắt đầu chế tạo ra máy móc, chúng đã dần thay thế rất nhiều công việc của con người. ChatGPT thực chất cũng chỉ là một hình thức mới của trí tuệ nhân tạo. Do vậy theo quan điểm của ông Oanh, AI không thể thay thế hoàn toàn con người ở tư duy và suy nghĩ, nhưng nó có thể thay thế con người tại một số lĩnh vực đơn giản.

Điểm khiến những sản phẩm AI gần đây trở nên đặc biệt là bởi, đây là loại máy móc có thể thay thế và tương tác được với con người như một thực thể có trí tuệ. Trước đây, khi phát thanh truyền hình hay mạng xã hội phát triển thì con người vẫn chỉ sử dụng máy móc như một công cụ để giao tiếp với nhau.

Hiện tại, chúng ta giao tiếp trực tiếp với AI mà đằng sau đó là hàng tỉ phép tính đang diễn ra cũng một lúc, để trả lời những câu hỏi liên quan mà con người đang có nhu cầu cần thiết.

Với thế hệ trẻ, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn. Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo định hình tương lai giáo dục của tất cả quốc gia trên thế giới.

Chia sẻ tại Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo-Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” mới đây, nhiều chuyên gia đã có những đánh giá về ứng dụng, chuyển đổi nội dung và hình thức giảng dạy trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.

Các chuyên gia nhìn nhận, ChatGPT như một cơ hội cho giáo dục và cho rằng, hãy để giáo viên, học sinh, sinh viên tận dụng công cụ số, hình thành năng lực số để phục vụ cho sự phát triển nghề nghiệp của cá nhân mình.

Giáo viên, học sinh, sinh viên cần tận dụng công cụ số, hình thành năng lực số để phục vụ cho sự phát triển nghề nghiệp của cá nhân mình.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, trước kia, ngành giáo dục hay các nhà giáo có đặc quyền là truyền bá tri thức. Tuy nhiên, ngày nay, với ứng dụng khoa học-công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi. Đã có sự xuất hiện của nhiều công nghệ mới hay sự ra đời của công nghệ dạy học trực tuyến, người thầy phải làm sao để tận dụng tốt những công cụ này.

Khi có những công cụ giúp mình thực hiện những nhiệm vụ bình thường mất nhiều thời gian, người thầy có thể tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng hơn để làm sao nâng cao chất lượng dạy và học.

Ở góc độ chuyên gia giáo dục, TS.Lê Thống Nhất cho biết: Với dữ liệu khổng lồ thì ChatGPT là người trợ lý rất đắc lực cho học sinh cũng như giáo viên. Tuy nhiên, để dùng được ChatGPT thì cần có sự nghiên cứu để định hướng cách dùng ChatGPT trong giáo dục.

Còn ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần TitKul về công nghệ thông tin chuyên về phần mềm, hiện cũng đang là giảng viên Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM,  khẳng định việc ứng dụng AI là xu hướng trong tương lai, khi các tập đoàn công ty lớn đã triển khai và đưa vào dây chuyền sản xuất giúp gia tăng doanh số và chất lượng sản phẩm. Một lý do nữa là AI đang giải quyết các bài toán khó trong việc phát triển mô hình đô thị thông minh. Ví dụ như hệ thống chấm công bằng khuôn mặt, nhận diện xe vi phạm để phạt nguội,…

“Khởi nghiệp bằng AI luôn cần hỗ trợ về chuyên gia cố vấn trước khi khởi nghiệp như tài chính và hướng giải quyết vấn đề. Có các quỹ để hỗ trợ và mặt tư pháp giúp cho doanh nghiệp tránh được sự chèn ép của các tập đoàn lớn như quyền sở hữu trí tuệ”, ông Tuấn khuyên các bạn trẻ.

Vậy với những người trẻ, sẽ cần làm gì và ứng AI ra sao để đạt hiệu quả tối ưu nhất? Là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, quản lý và cung cấp nhân lực, ông Nguyễn Đình Khiêm, đại diện Kstudy Academy nhìn nhận: “Chúng tôi không cho rằng AI là thách thức mà cho rằng đây là cơ hội để chúng tôi gia tăng chất lượng đào tạo, ngay sau khi ra mắt chúng tôi đã tổ chức những nhóm chuyên gia nghiên cứu và áp dụng vào công việc ngay lập tức, sau đó là chỉnh sửa nội dung đào tạo để ứng dụng triệt để các công cụ AI vào giảng dạy, với một số nghiệp vụ ChatGPT và các công cụ AI đã giúp nhân viên của tôi gia tăng 2 đến 5 lần năng suất và chất lượng.

Ông Nguyễn Đình Khiêm, đại diện Kstudy Academy – một đơn vị hoạt động trong mảng đào tạo, cung cấp nhân lực và cho thuê văn phòng.

Trong chương trình học, người học của chúng tôi hứng thú hơn rất nhiều, tôi tin rằng AI sẽ sớm phổ biến trong doanh nghiệp và quan điểm của Kstudy là việc học nghề phải mô phỏng gần nhất với môi trường làm việc, AI không cướp mất cơ hội mà sẽ mở ra cho chúng ta thêm nhiều cơ hội.” – ông Khiêm lưu ý.

Trên thực tế, AI kỳ diệu bởi nó có thể tổng hợp tất cả trí tuệ của nhân loại, sự ra đời của các loại máy móc cũng chính là để tạo ra một bản sao bất kỳ từ một bộ phận của chúng ta và thế giới xung quanh với sức mạnh vượt trội hơn, sở hữu suy nghĩ nhanh và giải quyết hàng tỷ phép tính trong 1 giây để phản ứng.

Vì vậy, giới trẻ cần nắm bắt công nghệ và sử dụng nó, nhưng không phụ thuộc vào nó, không nên vì thế mà lười suy nghĩ, sáng tạo…

Dương Thành