Ngay từ những ngày đầu năm mới, sức nóng của thị trường BĐS đã tăng mạnh. Nhu cầu mua gia tăng, kỳ vọng kinh tế phục hồi cùng với áp lực điều chỉnh giá đất ngầm tạo ra làn sóng săn BĐS tại TP.HCM, nhất là các sản phẩm có vị trí tốt, sở hữu lợi thế về giá bán và chính sách thanh toán.
Dòng tiền dồn dập “chảy” vào thị trường BĐS
Thị trường BĐS đang chứng kiến cơn sốt mới khi dòng tiền đầu tư ồ ạt đổ về dịp đầu năm. Bước qua ngày Tết âm lịch, nhu cầu tìm mua BĐS đã lại sôi động, nhất là tại “vũng trũng”. Trong quý 4/2021 tỷ lệ hấp thụ căn hộ tại TP.HCM đạt hơn 100% so với quý 3 trước đó. TP. Thủ Đức tiếp tục là khu vực ghi nhận nguồn cung và tỷ lệ tiêu thụ căn hộ đứng đầu thị trường chiếm 70% lượng giao dịch. Nhu cầu tìm mua BĐS đang phục hồi và tăng trưởng mạnh với mức tăng 378% trong đợt dịch lần thứ 3 và hơn 104% trong quý 4/2021.
Cũng theo các chuyên gia, BĐS đang và tiếp tục là kênh đầu tư hàng đầu thu hút dòng tiền trong năm 2022. Bên cạnh liều thuốc hạ tầng, áp lực từ lạm phát gia tăng cũng khiến nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền từ chứng khoán, vàng và ngân hàng vào đầu tư BĐS. Nếu kiểm soát được dịch bệnh, dự báo thị trường BĐS năm 2022 sẽ có thể có đợt sóng nhà đất mới.
Mặt bằng lãi vay ở mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua đang tạo điều kiện hơn cho người mua nhà trong năm 2022. Nhu cầu huy động vốn và cầu tín dụng tăng dịp cuối năm khiến lãi suất huy động nhích tăng khoảng 0,1-0,3%/năm trong tháng 12/2021. Theo chia sẻ của các chuyên gia tài chính – ngân hàng, đà tăng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc, các ngân hàng sẽ còn duy trì mức lãi suất cho vay ở mức thấp như hiện tại. Lãi suất ưu đãi kết hợp với chính sách hỗ trợ ra hàng hiện nay của nhiều chủ đầu tư như cho phép trả trước 30% là có thể nhận nhà, ưu đãi lãi suất 0%, ân hạn nợ gốc và lãi trong thời gian dài 2-3 năm… Với các chính sách này người trẻ có thu nhập ổn định có nhu cầu mua nhà sẽ dễ tiếp cận hơn với cơ hội sở hữu BĐS.
Cuộc chạy đua tranh cơ hội mua BĐS thời điểm đầu năm
Thị trường BĐS TP.HCM đang chứng kiến làn sóng chạy đua tranh các suất đầu tư chất lượng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, giá nhà tăng cao và quỹ đất đẹp ngày càng hẹp dần. Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều người mua nhà ở thực bắt đầu nhận thấy đây là thời điểm tốt để mua nhà với giá hời khi các chủ đầu tư dùng nhiều chính sách kích cầu, hỗ trợ tài chính cho khách hàng có thể giải tỏa áp lực trong giai đoạn đầu.
Theo anh Phan Hoàng Minh, một nhà đầu tư lâu năm nhìn nhận, tâm lý thị trường từ cuối năm 2021 đã khá tốt, nền kinh tế đang có tín hiệu phục hồi rõ nét khiến anh an tâm rút phần lớn dòng tiền từ các kênh nhiều rủi ro khác để chuyển vào BĐS. Nhà đầu tư này khẳng định, giá cả BĐS TP.HCM sẽ khó giảm nhiệt mà có thể còn tiếp tục leo thang trước nguy cơ lạm phát cao cùng với tác động từ việc điều chỉnh giá đất sau khi bán đảo Thủ Thiêm xác lập cột mốc mới. Sóng tăng giá đất sẽ sớm lan rộng ra toàn bộ các khu vực TP.HCM mà tâm điểm là TP. Thủ Đức. Hiện nay TP. Thủ Đức dù khan hiếm nhưng vẫn còn cơ hội cho nhà đầu tư săn được các căn hộ giá tầm 40 triệu đồng/m2, nhưng qua năm 2022 sẽ khó có mức giá này.
Bên cạnh quỹ đất khan hiếm, chi phí triển khai dự án ngày càng gia tăng cũng sẽ khiến BĐS xuất hiện đợt điều chỉnh giá lớn. Theo thống kê từ Sở xây dựng, năm 2021 chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với năm 2020, làn sóng tăng giá VLXD được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2022 kéo giá nhà ở sơ cấp lên cao các năm tiếp theo. Động thái này khiến không ít nhà đầu tư và người mua ở thực không thể chần chờ, gấp rút tranh thủ những ngày cuối năm, khi giá BĐS vẫn đang trong thời điểm “nhá nhem” của chu kỳ tăng, săn mua các sản phẩm tốt với chính sách thanh toán ưu đãi và linh hoạt.
Trái ngược với đà tăng của nguồn cầu, nguồn cung căn hộ TP.HCM năm 2021 chỉ khoảng 13.500 căn, giảm gần 30% so với năm trước và gần 50% so với 2019, trong khi riêng TP. Thủ Đức ước tính cần thêm 200.000 sản phẩm nhà ở mỗi năm cho đội ngũ chuyên gia, trí thức trẻ. Câu chuyện an cư trở thành bài toán nóng và là suất đầu tư hấp dẫn cho những ai biết sớm đón đầu thị trường.
Phương Uyên