Từ xa xưa, tranh dân gian Đông Hồ đã là vật không thể thiếu trong các gia đình mỗi dịp Tết đến Xuân về. Nhắc tới tranh Đông Hồ, nhiều người nghĩ ngay tới những bức tranh khắc họa hình ảnh cuộc sống bình yên, ấm no và các phong tục tập quán của người Việt vào ngày Tết để cầu mong một năm mới bình an, no đủ, phát tài phát lộc và vạn sự như ý.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, tranh Đông Hồ hay còn gọi là tranh khắc gỗ Đông Hồ là một dòng tranh dân gian Việt Nam nổi tiếng, lâu đời ở làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tranh được in từ ván khắc gỗ, nên số lượng màu sắc trong tranh sẽ tương ứng với số ván khắc gỗ.
Cũng giống như một số dòng tranh dân gian nổi tiếng khác như: Tranh làng Sình, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Nam Hoàng,… tranh Đông Hồ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và cẩn thận của đôi bàn tay người nghệ nhân.
Tiếp tục hỏi thăm các nghệ nhân tranh Đông Hồ lâu năm trong làng, chúng tôi được biết: Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in.
Giấy được làm từ vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn – hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó, công đoạn khá là công phu, tỉ mỉ đòi hỏi sự khéo tay của người thợ lành nghề.
Rồi đến công đoạn chuẩn bị màu sắc, sao cho tranh thật tự nhiên phải là những gam màu cơ bản, không pha trộn thường được chế từ than của lá tre, xanh của lá chàm, vàng của hoa hòe, đỏ của gỗ vang, chỉ 4 gam màu không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ.
Theo thời gian, tranh Đông Hồ đã và đang có được sức sống lâu bền và cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ con người Việt Nam bởi những đề tài trong tranh đều phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi gắn liền với văn hoá người Việt. Đáng chú ý, những bức tranh Đông Hồ còn được những nghệ nhân khéo léo trang trí kèm theo những từ chỉ dẫn hoặc những tứ thơ tình tứ, lãng mạn.
Có lẽ vì điều này, mà chúng tôi nhớ rất rõ những chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, 85 tuổi, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh : “Mỗi bức tranh Đông Hồ có ý nghĩa riêng, tượng trưng cho mơ ước người dân như: Bức tranh “Đàn lợn âm dương” thể hiện mong muốn năm mới ấm no, sung túc, phát tài, phát lộc, sinh sôi nảy nở nhiều con cháu. Bức tranh “Vinh hoa – phú quý” cầu may cho gia đình có cuộc sống giàu sang, con cái tròn đầy, có trai, có gái. Bức tranh “Vinh quy bái tổ” cầu mong sự đỗ đạt, hướng về nguồn cội”…
Trải qua nhiều thăng trầm, tranh Đông Hồ không còn được tiêu thụ nhiều như trước, làng nghề làm tranh cũng bị mai một chỉ còn lại số ít gia đình nghệ nhân theo nghề tranh, gìn giữ di sản. Tuy vậy, tranh Đông Hồ vẫn luôn là một nét đẹp tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam và sẽ ngày càng được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
Có dịp đặt chân tới mảnh đất Đông Hồ vào những ngày cận Tết Nguyên đán, tận mắt chứng kiến hình ảnh phơi tranh rất đỗi bình dị của những nghệ nhân mới cảm nhận hết được thú chơi tranh tao nhã của người yêu tranh.
Những bức tranh Đông Hồ với đủ màu sắc và ý nghĩa được tạo ra dưới đôi bàn tay lành nghề của các nghệ nhân trong làng khiến chúng tôi không khỏi thích thú và tò mò. Những bức tranh này không chỉ làm vật dụng trang trí trong gia đình người Việt mà còn thể hiện ý nghĩa sâu xa của nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ gửi gắm vào mỗi tác phẩm.
Huyền Chi