Mới đây, nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam là “Phở Lý Quốc Sư & logo” cuối cùng đã nhận được văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại nước Úc sau hơn một năm tranh chấp.

Theo đó, Golden là công ty đã đem công thức hương vị gia truyền của phở Lý Quốc Sư tại Việt Nam sang Úc. Vì nghĩ rằng việc đăng ký nhãn hiệu cũng giống các thủ tục hành chính khác, cứ đăng ký và chờ đợi chắc chắn sẽ nhận được văn bằng bảo hộ, Golden đã không tiến hành đăng ký ngay.

Do đó, công ty Posh đã nhanh tay đăng ký nhãn hiệu “Phở Lý Quốc Sư” tại Úc vào ngày 9/10/2020.

May mắn với công ty Golden là nguyên tắc đăng ký nhãn hiệu tại Úc là “first to use”, tức là sẽ ưu tiên cho chủ thể, doanh nghiệp sử dụng trước dù nhãn hiệu đó chưa được đăng ký. Nếu có một bên đứng ra đăng ký trước, doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện việc phản đối đơn nếu như bên đó chưa có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào.

Còn tại Việt Nam hay rất nhiều nước khác đi theo nguyên tắc “first to file”, doanh nghiệp nào đăng ký trước sẽ được sử dụng trước, thì Golden sẽ buộc phải thương lượng bỏ tiền ra mua lại thương hiệu “Phở Lý Quốc Sư”, chứ không thể làm gì khác.

Thực tế, không phải doanh nghiệp nào mở ra một thương hiệu cũng đi đăng ký tại mọi quốc gia trên thế giới, vì sẽ tốn rất nhiều tiền cũng như chưa biết là có thể đưa thương hiệu tới nước đó hay không.

Chính vì vậy, mà trên thế giới hiện nay có thêm một ngành kinh doanh chính là ngành kinh doanh đăng ký thương hiệu trước.

Ngay từ chính sự việc của “Phở Lý Quốc Sư”, công ty tranh chấp với Golden là Posh đã đăng ký nhiều nhãn hiệu có tiếng của Việt Nam tại Úc như Phở Thìn, Banh Mi Huynh Hoa hay Phuc Long Tea and Coffee.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng không ít lần bị các công ty kiểu như Posh “cướp” tên thương hiệu như vậy.

Vào năm 2000, một công ty là Rice Field đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO).

005-min-1-scaled-1237x800-enternews-1668770630

Cafe Trung Nguyên cũng tốn nhiều tiền vì tranh chấp thương hiệu

Đứng trước nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Mỹ, một mặt Cafe Trung Nguyên đã nộp đơn đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ và WIPO; đồng thời tiến hành thương thảo, đàm phán với Rice Field.

Sau 2 năm thương thảo, cộng thêm tiêu tốn hàng trăm nghìn USD, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu của mình.

Hay như năm 2002, thương hiệu Vinataba, thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam đã bị một công ty của Indonesia là P.T. Putra Stabat Industri chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean.

Vinataba đã phải chi 1 tỷ đồng và mất gần 2 năm mới có thể giành lại được thương hiệu của mình ở nước ngoài.

Sự việc bị mất thương hiệu cũng xuất hiện rất nhiều tại nước ngoài, có thể kể đến như Apple, thương hiệu giá trị nhất thế giới hiện nay cũng từng phải đi mua lại.

Năm 1978, Tập đoàn Apple của ban nhạc Beatles đã kiện Apple Computer với lí do xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của họ. Cuộc chiến pháp lý 2 bên được giải quyết vào năm 1981 với khoản thanh toán 80.000 USD cho Apple Corps.

Năm 1991, Apple Computer cũng phải trả khoảng 26,5 triệu USD Tập đoàn Apple để có độc quyền sử dụng nhãn hiệu Apple của mình trên hoặc liên quan đến hàng hóa điện tử, phần mềm máy tính v.v..

Có thể thấy dù việc đăng ký nhãn hiệu ngay từ đầu là giải pháp tối ưu về chi phí cũng như về quyền lợi lâu dài, tuy nhiên các công ty cũng nên sẵn sàng cho việc phải mua lại thương hiệu của chính mình tại một quốc gia khác, trong tương lai.

Quân Bảo