Thế giới đang chứng kiến các quốc đảo nhỏ tại khu vực Thái Bình Dương là “mặt trận” mới trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ-Trung.
Các quốc đảo trải dài trên Nam Thái Bình Dương có dân cư thưa thớt, các đảo san hô và quần đảo núi lửa, được biết đến với du lịch nhiều hơn là các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khu vực này đang chứng kiến sự cạnh tranh địa chiến lược gia tăng giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hoàn thành chuyến công du kéo dài 10 ngày tới 8 quốc gia để thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh khu vực sâu rộng với tham vọng tăng cường đáng kể vai trò của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương.
Trong chuyến đi của Bộ trường Vương Nghị, các nhà lãnh đạo trong khu vực đã từ chối tham gia vào một hiệp ước chung khu vực do Trung Quốc đề xuất khi họ bày tỏ sự quan tâm về các vấn đề khác như biến đổi khi hậu, biển cả… Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Nghị đã để lại một thông điệp rõ ràng về sự quan tâm của Trung Quốc đối với khu vực này.
Ngay lập tức, các cường quốc có mối quan hệ lâu đời ở Nam Thái Bình Dương bao gồm Úc, New Zealand và Mỹ đã tăng cường các động thái tại đây khi Washington cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ riêng đối với khu vực và Úc cử Bộ trưởng Ngoại giao tiến hành các chuyến công du ngoại giao song phương.
Các chuyên gia quốc tế lo ngại rằng các quốc đảo Nam Thái Bình Dương sẽ là địa bàn mới cho những căng thẳng đang gia tăng giữa các cường quốc.
Sự quan tâm của Trung Quốc trong việc xây dựng mối quan hệ với các nước thuộc quần đảo Thái Bình Dương không phải là mới. Trong những năm gần đây, khi Bắc Kinh theo đuổi chính sách đối ngoại quyết đoán hơn và mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu, tầm nhìn của Bắc Kinh ở các đảo Thái Bình Dương cũng đã tăng lên. Trung Quốc đã ủng hộ các dự án cơ sở hạ tầng ở một số quốc đảo Thái Bình Dương và cử các đặc phái viên cấp cao đến khu vực này. Đặc biệt, nước này cũng trở thành đối tác thương mại lớn của các nền kinh tế Đảo Thái Bình Dương.
Theo nhận định của ông Denghua Zhang, nghiên cứu viên tại Đại học Quốc gia Australia, về mặt ngoại giao, Trung Quóc cần sự ủng hộ của các đảo Thái Bình Dương tại Liên Hợp Quốc. Phần lớn các quốc gia này đều có quy mô nhỏ nhưng vẫn có tiếng nói bình đẳng tại tổ chức này. Và sự ủng hộ của họ trong các vấn đề như Đài Loan, biển Đông và biển Hoa Đông… rất quan trọng đối với Trung Quốc.
Trong khi đó, về mặt chiến lược, Trung Quốc coi các đảo ở Thái Bình Dương là mục tiêu của việc “hợp tác Nam-Nam”, mối quan hệ đối tác giữa các nước đang phát triển để giảm bớt áp lực chiến lược từ các nước phát triển.
Do vậy, chuyến thăm Thái Bình Dương của Bộ trưởng Vương Nghị chủ yếu được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh ngày càng cao gần đây giữa Trung Quốc và các cường quốc đồng minh với Mỹ. Bắc Kinh có thể tìm cách đưa các thỏa thuận cơ sở hạ tầng, hoặc thậm chí các thỏa thuận an ninh thành một vị thế vững chắc về mặt quân sự khi căng thẳng với Mỹ và Australia gia tăng.
Đây là lý do tại sao các cường quốc đã tỏ ra lo lắng trước hiệp ước an ninh Trung Quốc và Quần đảo Solomon dù Bắc Kinh tuyên bố sẽ không thiết lập căn cứ quân sự tại đây. Ông Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao của RAND Corporation ở Arlington, cho biết: “Các hòn đảo nằm trên một lối đi quan trọng của các tàu hải quân và tàu buôn của Mỹ và Australia”.
Mặc dù vậy, ông Anna Powles, Chuyên gia an ninh tại Đại học Massey, New Zealand cho rằng, nhiều người không tin rằng các quốc đảo Thái Bình Dương có thể hoạch định được chính sách đối ngoại thực sự sắc sảo và cân bằng giữa cả Trung Quốc và phương Tây. “Nhưng thế giới không nên đánh giá thấp các lãnh đạo tại các quốc đảo trong khu vực này. Các nhà lãnh đạo này đều có những quan điểm riêng và cứng rắn về các vấn đề liên quan đến đất nước họ”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Cẩm Anh