Không thấy một cuộc “giải cứu” nào đối với trái quất Thanh Hà (Hải Dương). Số lượng quất tồn đọng, lớn như nỗi buồn của người nông dân vậy.
Những năm trước, thời điểm này nếu bạn về Thanh Hà sẽ thấy một không khí thu mua nhộn nhịp, người nông dân luôn có động lực cho những mùa vụ tiếp theo. Nhưng năm nay thì khác, sự bao phủ của COVID-19 đã khiến cho quất ế ẩm, không khí mua bán quất rất trầm lắng.
Trục đường trên đường tỉnh 390, điểm nhộn nhịp nhất, giờ lác đác chỉ có một vài thương lái trong huyện mua quất của bà con. Ông Nguyễn Đức Thanh, một thương lái người xã Tân Việt (Thanh Hà) cho biết, quất năm nay ế ẩm, phải chọn những quả đẹp mới bán được. Quất không xuất bán được sang thị trường Trung Quốc vì ảnh hưởng của dịch bệnh. “Hiện tại, tôi chỉ thu mua để bán ở một số chợ đầu mối, hàng ăn trong tỉnh và một số tỉnh lân cận”, ông Thanh nói.
Thanh Sơn có diện tích trồng quất nhiều nhất huyện Thanh Hà với khoảng 250 ha của hơn 900 hộ. Hộ trồng ít cũng vài sào, hộ trồng nhiều đến vài mẫu quất. Gia đình ông Trần Văn Ba ở thôn Tráng Liệt trồng 1,6 mẫu quất đang cho thu hoạch nhưng giá bán hiện nay chỉ từ 2.000-3.000 đồng/kg, chưa bằng 1/10 so với năm ngoái.
“Hơn chục năm trồng quất nhưng chưa năm nào tôi thấy giá quất lại thấp như năm nay. Giá mỗi kg quất thậm chí không bằng ly trà đá trên phố. Thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào cây quất nên gia đình tôi phải tính tìm công việc khác để làm”, ông Ba nói.
Bà Vũ thị Oánh ở thôn Nhân Lư (xã Cẩm Chế) rất sốt ruột khi 5 sào quất của gia đình đang chín nhưng giá thấp, bán rất chậm. “Giờ bán được đồng nào thì bán chứ không hy vọng giá cao hơn”, bà Oánh nói.
Chị Nguyễn Thị Uyên, một thương lái ở xã Thanh Sơn cho biết năm ngoái vào dịp này, mỗi ngày chị mua từ 3-5 tấn quất của bà con nhưng nay bán rất chậm nên mỗi ngày chị chỉ thu mua vài tạ để tiêu thụ ở Hà Nội, Hải Phòng. Khách hàng chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn, người dân cũng hạn chế.
“Những ngày trước còn bán lác đác được một chút, thương lái mua bán cho các nhà hàng. Nhưng đến thời điểm này, thì hầu hết nhà hàng, quán ăn cũng nghỉ để chống dịch rồi vì thế quất ế lại càng ế, đúng là một mùa vụ đắng chát”, Chị Uyên buồn bã nói.
Trao đổi với PV, Ông Lê Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Chế cho biết năm nay, người trồng quất trái vụ gặp khó khăn do giá thấp, tiêu thụ chậm nên ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Một số hộ đã chuyển sang trồng các loại cây khác.
“Khác với những loại nông sản có thể kêu gọi người tiêu dùng “giải cứu” thì quất chỉ là một loại gia vị, trong bữa ăn và có thể thay bằng nhiều loại quả khác như chanh, me, sấu”, ông Phương nói.
Một cuộc “giải cứu” quất lúc này bằng cơ chế, chính sách, sự liên kết với các doanh nghiệp thu mua, sơ chế quất thành các sản phẩm như mứt, nước uống cần được huyện Thanh Hà nhanh chóng triển khai, để người nông dân không rơi vào tình cảnh “trái đắng”.