Trái phiếu quốc tế: Thị trường tài chính bậc cao qua nhiều thế kỷ

Tại các quốc gia phát triển, thị trường chứng khoán luôn được xem là hàn thử biểu sức khỏe của nền kinh tế. Đà lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ trong đại dịch COVID-19 của tháng 3, tháng 4 vừa qua, hay bảng lửa đỏ rực thị trường chứng khoán Shanghai những ngày đầu tháng 2, vì vậy, đã phản ánh rõ rệt tâm lý lo ngại, bất ổn của các nhà đầu tư trước tác động đại dịch.

Theo thống kê của ADB, tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam (gồm cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) tại 30/9/2019 là 95,37 tỷ USD, tương đương 37,6% GDP.

Tuy nhiên, cũng trên thị trường quốc tế không chỉ của các quốc gia phát triển mà tính trên toàn cầu, một phong vũ biểu chỉ báo sức khỏe thị trường tài chính toàn cầu còn rõ rệt hơn nữa, đó là lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của chính phủ Mỹ. Hàng trăm năm phát triển thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc chính phủ Mỹ cung cấp lãi suất chuẩn được nhiều tổ chức tài chính sử dụng để đặt mức lãi suất của riêng họ.

Nói một cách khác, thị trường trái phiếu quốc tế đã không ngừng phát triển như một thị trường tài chính bậc cao đúng nghĩa. Thực tế cho thấy, ngay tại chứng khoán phố Wall luôn thu hút mọi nhà đầu tư toàn cầu thì chênh lệch của thị trường chứng khoán còn thua xa so với thị trường trái phiếu ở cả quy mô, giá trị lẫn sức hút và sự sôi động, chuyển động của các dòng vốn.

Thị trường trái phiếu dĩ nhiên bao gồm cả trái phiếu Chính phủ, tổ chức và trái phiếu doanh nghiệp. Nếu như Trung Quốc đã dự trữ tới 1/3 trái phiếu Chính phủ trong dự trữ ngoại hối quốc gia như một tài sản đảm bảo giá trị, thì trái phiếu doanh nghiệp cũng được các quốc gia đứng đầu chú trọng thúc đẩy như một đòn bẩy cho hoạt động của các Tập đoàn đa quốc gia.

Trải qua nhiều thế kỷ, trái phiếu tổ chức, trái phiếu doanh nghiệp đã trở nên quen thuộc với nhiều nhà đầu tư, định chế, tổ chức, đến mức World Bank cũng sử dụng công cụ nợ này mà tăng cường tài chính trong những thời điểm cần huy động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tái kiến thiết, phát triển.

Trái phiếu doanh nghiệp: Khẩu vị ưa thích trong danh mục của các định chế hàng đầu

Sự góp mặt những định chế hàng đầu trên toàn cầu về thu xếp, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp như JP Morgan, Citigroup, BNP Paribas… cũng đã giúp dòng vốn quốc tế chu chuyển không ngừng từ thị trường trái phiếu đến với doanh nghiệp, song song cùng hoạt động cho vay vốn khác trực tiếp.

Gần đây, những nhà cho vay lớn nhất thế giới này và các nhà băng khác trong top 30 nhà cho vay lớn nhất toàn cầu, cũng đã gia tăng nắm giữ trái phiếu từ 2019 để nhanh chóng bổ sung nguồn vốn do sự thiếu hụt xuất phát từ hệ lụy khủng hoảng 10 năm trước hay ứng phó với những biến động mới trên toàn cầu. Sức hút của trái phiếu ở quốc tế chưa bao giờ ngừng lại.

Có lẽ vì vậy mà trong thời điểm kinh tế khó khăn, thị trường tài chính suy thoái, Cục dự trữ Liên bang Mỹ cũng chọn giải cứu trái phiếu thông qua mua chứng chỉ quỹ hoán đổi dánh mục, tức chứng chỉ của các tổ chức nắm trái phiếu doanh nghiệp.

Nhờ đó, Boeing – niềm tự hào của nước Mỹ đã lập tức huy động được 25 tỷ USD qua phát hành trái phiếu, tiếp tục trụ vững giữa đại dịch và dẫn dắt ngành hàng không.

Trái phiếu doanh nghiệp Việt: Cần nhiều dư địa

Trong khi thị trường trái phiếu quốc tế là thị trường có tính lịch sử, phát triển, văn minh và rất sôi động, là công cụ cho mọi chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp huy động để thực hiện các mục tiêu, dự án hiệu quả; mặt khác lại là kênh đầu tư hấp dẫn, thanh khoản cao, lợi suất ổn định bậc nhất của các tổ chức, nhà đầu tư; thì tại Việt Nam, trái phiếu chỉ mới sôi động một thời gian gần đây.

Mà sự sôi động đó cũng chỉ được đánh giá là sự sơ khởi khi thị trường còn rất non trẻ. Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam (gồm cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) tại 30/9/2019 là 95,37 tỷ USD, tương đương 37,6% GDP – là mức tương đương với Philippines nhưng còn cách khá xa Trung Quốc, Thái Lan (xấp xỉ 60% GDP). Các nước càng phát triển thì tỷ trọng kênh trái phiếu trên GDP càng lớn như Nhật Bản là 214% GDP, Hàn Quốc là 120% GDP…

Kỷ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua, mặc dù ghi nhận thị trường vốn hóa 4 triệu tỷ đồng là một bước tiến vô cùng lớn lao của nền kinh tế, nhưng chúng ta vẫn thừa nhận đà “thăng hạng” đó chỉ mới diễn ra phần lớn từ cổ phiếu.

Kênh huy động vốn trung dài hạn qua công cụ nợ trái phiếu vẫn “nợ” bước phát triển đúng tầm và đang chờ hoàn thiện hành lang pháp lý, cần nhiều cú hích để tạo được sức hút thực sự đối với các dòng vốn lớn.

Cởi mở, bắt đầu từ tư duy hay tháo bỏ hoàn toàn tinh thần “cấm cản”, trong khuôn khổ của các quy định, gần nhất là Nghị định 81/2020/NQ-CP mà Chính phủ vừa mới ban hành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng kênh huy động vốn trung và dài hạn an toàn, hiệu quả.

Với việc nới rộng mức dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt) rộng hơn so với chỉ gấp 3 lần như đề xuất của dự thảo, Nghị định 81 quy định vừa đủ cho doanh nghiệp tiếp tục khơi vốn từ kênh trái phiếu, vừa có những quy định chặt chẽ hơn về số lần phát hành, phạm vi phát hành và nhà đầu tư tham gia với thị trường trong nước, lẫn các quy định công bố thông tin định kỳ tháng, quý, năm minh bạch và công khai, góp phần tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp đồng thời bảo vệ, tăng thu hút đầu tư vào thị trường này.

Hiệu lực từ ngày 1/9/2020 tới đây, có lẽ, Nghị định 81 là cú huých điều kiện cần đầu tiên cho kỳ vọng phát triển quá muộn màng so với thế giới, của thị trường trái phiếu Việt Nam.

Theo ĐTCK