Chuyển tới nội dung

Trái cây Việt chịu áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng trên “sân nhà”

Hiện nay mẫu mã và chất lượng trái cây nhập được đánh giá cao, cùng với giá ngày càng rẻ khiến trái cây ngoại được tiêu thụ nhiều hơn ở Việt Nam. Điều này tác động không nhỏ đến trái cây Việt trước áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng.

Áp lực cạnh tranh hàng nhập ngoại

Hiện lượng trái cây nhập khẩu về chợ, siêu thị và các cửa hàng tăng mạnh. Các sản phẩm từ Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Australia có giá khá cạnh tranh và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại cửa hàng của chị Oanh trên đường Thống Nhất (Gò Vấp), không chuyên về trái cây nhập khẩu nhưng hai phần ba sản phẩm tại đây có nguồn gốc từ Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc và Australia. “So với trước đây, nho, táo, quýt từ Mỹ, Australia đã giảm 40%. Đặc biệt, các sản phẩm này chất lượng ngày càng cải thiện và giá không quá cao so với hàng Việt nên được khách ưa chuộng”, chị Oanh nói.

Quầy hàng trái cây của bà Hồng tại chợ Tân Định (TP.HCM) cũng không chuyên về trái cây nhập khẩu, nhưng phần nhiều vẫn là trái cây từ Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc và Australia. Mẫu mã, chất lượng được đánh giá cao, giá ngày càng rẻ khiến trái cây ngoại được tiêu thụ nhiều hơn ở Việt Nam.

“Măng cụt của Thái thì bán 100.000 đồng, hàng Việt thì bán 80.000 – 90.000 đồng. Hàng của Thái bán vẫn được lắm. Hàng Việt Nam người ta ăn theo mùa”, bà Trần Thị Lệ Hồng, tiểu thương chợ Tân Định, quận 1, TP.HCM, cho hay.

chomchom-235328844-1367691209_500x0

Trái cây Việt chịu áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng.

Đại diện Công ty cổ phần Rau quả Bình Thuận cũng cho biết, giá trái cây nhập khẩu vào Việt Nam đang khá mềm dù chi phía vận chuyển tăng cao. “Số lượng trái cây nhập khẩu của công ty 6 tháng qua tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái”, ông nói.

Đại diện các chợ đầu mối ở Hà Nội và TP.HCM đều nhìn nhận lượng trái cây Trung Quốc, Mỹ, Australia, Thái Lan về Việt Nam rất dồi dào. “Ngoài táo, nho, đào và mận Trung Quốc đang vào mùa nên lượng hàng về chợ sẽ tăng lên trong tháng tới”, đại diện chợ đầu mối Thủ Đức dự báo.

Bên cạnh trái cây từ các quốc gia trên, gần đây hàng Campuchia và Ấn Độ, Lào cũng ồ ạt vào Việt Nam. Xoài keo và sầu riêng Campuchia đang rất hút người tiêu dùng Việt vì mẫu mã đẹp, chất lượng được đánh giá tốt.

Việt Nam – Thị trường tiêu thụ trái cây quan trọng 

Theo số liệu thống kê, nửa đầu năm nay, Việt Nam chi khoảng gần 900 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng 28% so với năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu giảm gần 19%, nguyên nhân chính là do sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu giảm, trong khi nhập khẩu tăng mạnh, thực tế này đã làm gia tăng sức ép cạnh tranh lên thị trường trong nước.

Theo tin từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm nay, trong nhóm 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, có nhiều thị trường có sự tăng trưởng về giá trị nhập khẩu từ 120%, thậm chí 180% như Trung Quốc, Australia, New Zealand hay Nam Phi.

Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ trái cây quan trọng của nhiều nước, nằm trong nhóm 10 thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của Mỹ. Trái cây cũng là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 từ New Zealand sang Việt Nam.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, giá trái cây nhập khẩu đang ngày càng cạnh tranh dù các chi phí logistics tăng cao. So với trước đây, nho, táo, quýt từ Mỹ, Australia, Nam Phi đã giảm 40%. “Về mẫu mã, nó đẹp hơn. So với hàng Thái Lan thì hàng Thái chất lượng ổn định hơn”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.

“Hầu hết những sản phẩm nhập khẩu đang chọn bán ở kênh siêu thị, là những nơi người tiêu dùng khá quan tâm về vấn đề an toàn, sức khỏe nên họ bán được giá khá cao. Trong khi sản phẩm trái cây của chúng ta lại bán tại các kênh là chợ đầu mối. Chính vì vậy, chúng ta lại hạ thấp giá bán, khi đó không có tiền để đầu tư lại mẫu mã, bao bì dẫn đến sự yếu kém kéo đều xuống”, ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty GC Food, nhận định.

Nhìn nhận về xu hướng tiêu dùng rau quả trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp cho rằng, kim ngạch nhập khẩu rau quả ngoại nhập sẽ có thể tăng. Theo một số siêu thị, cửa hàng, hiện nay con đường nhập khẩu trái cây đã thông thoáng hơn nhờ hiệp định thương mại tự do. Thêm vào đó, trái cây ngoại đa dạng chủng loại, có thể dễ dàng chọn lựa các loại trái cây rẻ hay vào mùa rẻ thì nhập về.

Trái cây Việt dần khẳng định vị thế sân nhà

Thời gian qua, trái cây Việt Nam cũng đã có những nỗ lực đáng kể, dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường và dần lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Bằng chứng là ngày càng có nhiều mặt hàng nội đã chen chân vào siêu thị và dần vươn sang thị trường nước ngoài, trong đó có cả các nước khó tính như xoài Vĩnh Long sang Mỹ, bưởi Năm Roi Bình Minh có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc,…

Nhiều người cho rằng, nhiều loại trái cây trong nước có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hoàn toàn có thể cạnh tranh với trái cây nhập ngoại. Hơn nữa, nếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, do không phải chịu chi phí nhập khẩu, giá sẽ dễ chịu hơn các loại trái cây ngoại có chất lượng tương đương.

Do đó, nhà sản xuất lẫn doanh nghiệp cần chú trọng hơn thị trường trong nước, cần xem việc thông thoáng, mở cửa từ các chính sách, hiệp định thương mại vừa là cơ hội vừa là thách thức cho trái cây Việt Nam nói riêng và sản phẩm Việt Nam nói chung. Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh, cần có chiến lược quảng bá thương hiệu, nâng tầm, nâng vị thế trái cây Việt Nam trên sân nhà.

Bảo An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved