Sáng 28/3, hơn 1 tiếng sau khi Bộ Y tế phát đi thông tin về 6 bệnh nhân mới, trong đó có 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện này đã phát đi thông báo khẩn về việc tạm đóng cửa.

Đọc và nghe thông tin này, chắc rằng rất nhiều người sẽ cảm thấy chạnh lòng về đội nghĩ y-bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và đội ngũ y tế cả nước nói chung – những người ở tuyến đầu của cuộc chiến bên cạnh công an, quân đội.

Tối 28/3, hàng chục xe chuyên dụng của Binh chủng Hóa học đã có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai để phun khử trùng phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Quốc Tuấn

Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm hơn 5.000 nhân viên y tế, bệnh nhân và người lao động trong bệnh viện. Tính đến sáng 29/3 đã có 16 ca bệnh COVID-19 liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà, nhân viên cung cấp suất ăn. Có 3 giả thiết về nguồn lây: từ nhân viên y tế, từ người nhà bệnh nhân và khâu hậu cần.

Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai cũng được coi là một ổ dịch nên ít nhiều để lại cho dư luận những sự cảm thông nhất định và cảm phục hơn những người ở tuyến đầu trên mặt trận chống dịch.

Trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành, bên ngoài biên giới Việt Nam, đã có nhiều nước bị quá tải y tế, ngay cả tại các quốc gia phát triển như Ý, Hàn, Nhật, Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Anh Quốc, Tây Ban Nha… đang là bài học cho chúng ta trong công tác kiểm soát, phòng chống dịch.

Hiện tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam vẫn ghi nhận thêm một số ca nhiễm mới dù công tác phòng chống dịch vẫn đang kiểm soát tốt. Đáng chú ý, Chính phủ đã có những quyết sách quyết liệt hơn để phục vụ cho mục đích dập dịch như: Tạm dừng nhập cảnh, đóng cửa các dịch vụ không cần thiết, hạn chế tụ tập đông người, đeo khẩu trang khi ra đường…v..v.

Đó là những biện pháp cần thiết đang nhận được sự ủng hộ của người dân vì nếu chúng ta để “vỡ trận” khiến dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng thì sẽ gây thiệt hại lớn cho cả nền kinh tế, thiệt hại về nhân mạng – mất mát này khó có thể đong đếm.

Xét riêng lĩnh vực y tế, nếu dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng không kiểm soát, sức ép đối với ngành y nước ta là vô cùng lớn và không loại trừ trường hợp quá tải. Nếu số ca nhiễm COVID-19 tăng, ngành y tế sẽ phải điều động thêm các bác sĩ từ các nơi khác đến để vào cuộc chữa trị, điều này có thể gây áp lực ngược lại với các cơ sở y tế khác, những nơi đó cũng cần nhân lực y tế.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từng nói: “Trong cuộc chống dịch này, điều trị chỉ là một việc rất nhỏ. Quan trọng nhất của chống dịch là đừng để dịch vào Việt Nam. Nếu vào thì đừng để lan quá rộng. Chúng tôi chỉ gánh vác việc thứ 3 là chẳng may có ai mắc thì cố gắng giúp họ hồi phục. Chúng ta đã làm rất tốt 2 việc đầu nên chúng ta có số lượng bệnh nhân rất nhỏ. Còn nếu con số bệnh nhân lên hàng nghìn, hàng vạn thì chắc chắn sẽ không thể điều trị tốt được”.

Ở thời điểm hiện tại này, khó có thể kể hết những gian khổ của những người đứng nơi tuyến đầu của cuộc chiến với “giặc dịch”. Vì đặc trưng tập trung, hoạt động cộng đồng, tiếp xúc với nhiều người, nếu xuất hiện tình trạng nhiễm chéo trong ngành, đây sẽ là một thực trạng nguy hiểm.

Có thể nói, đối với COVID-19 không có bất cứ một bộ đồ bảo hộ nào giúp các bác sĩ “miễn nhiễm” với dịch bệnh, các trường hợp y-bác sĩ nhiễm bệnh trực tiếp trong quá trình điều trị đều xuất hiện tại các tâm dịch, khẩu trang N95 cũng chỉ giúp chặn 95% số hạt, vẫn còn tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao.

Môi trường làm việc của các y-bác sĩ đều có “nồng độ” virus rất cao, tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn so với bên ngoài môi trường, mặc dù đã có trang thiết bị bảo hộ. Một câu hỏi đơn giản được nêu ra: Nếu người dân nhiễm bệnh, bác sĩ sẽ chữa bệnh, nhưng nếu bác sĩ nhiễm bệnh, thì ai sẽ chữa bệnh?

Hẳn trong chúng ta ai cũng cảm nhận được trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ cán bộ y –bác sĩ đã vượt lên trên những khó khăn, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh… ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Vì thế, để chung tay, góp sức vào cuộc chiến chống “giặc dịch” COVID-19, mong rằng mỗi người dân sẽ tăng cường ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình. Mỗi hành động như “ở yên” lúc này từ nhiều người sẽ tạo kết quả tích cực đẩy lùi dịch bệnh.

Chính ý thức, trách nhiệm và tình người trong cơn dịch bệnh là “liều thuốc” tốt nhất để diệt dịch bệnh COVID-19.

Hãy nhớ, cuộc chiến với COVID-19 không là trách nhiệm của riêng ai mà là của toàn dân.